Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Củng cố tiềm lực an ninh quốc gia ở vùng phên giậu: Nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị (Bài 4)

Sỹ Hào - 11:26, 18/12/2023

Xây dựng, củng cố tiềm lực chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng tiềm lực an ninh quốc gia. Cùng với tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), thì việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở cơ sở được đặc biệt chú trọng nhằm xây “lũy thép” ở vùng phên giậu.

Những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động và PBGDPL đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động và PBGDPL đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Đưa pháp luật về “vùng trũng”

Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Nổi bật là chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào DTTS tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 – 2020 theo Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg; Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 – 2020 theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg;.... Đặc biệt là Đề án “Đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 – 2021” theo Quyết định 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong Báo cáo số 855/BC-UBDT ngày 3/6/2022 tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc (UBDT) cho biết, giai đoạn 2011 – 2021, công tác tuyên truyền, vận động và PBGDPL đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Riêng UBDT đã tổ chức 162 hội nghị, lớp tập huấn tuyên truyền, PBGDPL cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và đồng bào DTTS trên phạm vi cả nước; đồng thời biên soạn hơn 125 nghìn tờ rơi, tờ gấp pháp luật bằng tiếng Việt và dịch ra các thứ tiếng: Mông, Ba Na, Gia Rai...

Giai đoạn 2011 – 2021, các địa phương cũng đã tổ chức 348.016 hội nghị, lớp tập huấn PBGDPL cho khoảng gần 1 triệu lượt người tham gia; tổ chức 931 cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, với gần 306 nghìn lượt người tham dự. Công tác tuyên truyền, PBGDPL cũng được triển khai thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó chú trọng thực hiện các chuyên trang, chuyên mục đặc thù bằng ngôn ngữ DTTS...

Mô hình “Nâng bước em tới trường” của Bội đội biên phòng sẽ được bổ sung thêm nguồn lực từ Tiểu dự án 3 – Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719. (Trong ảnh: Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế cùng học sinh biên giới tới trường )
Mô hình “Nâng bước em tới trường” của Bội đội biên phòng sẽ được bổ sung thêm nguồn lực từ Tiểu dự án 3 – Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719. (Trong ảnh: Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế cùng học sinh biên giới tới trường )

Hiệu quả của công tác tuyên truyền, PBGDPL đã góp phần quan trọng gia cố tiềm lực chính trị ở cơ sở; đồng bào các DTTS nắm rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bên cạnh chủ động cùng lực lượng chức năng bảo vệ đường biên, cột mốc; giữ gìn an ninh trật tự ở thôn bản thì đồng bào các dân tộc đã nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu của những thế lực thù địch.

Từ việc phát huy vai trò của quần chúng Nhân dân, các lực lượng chức năng đã đấu tranh kềm chế, đẩy lùi hoạt động ly khai, tự trị, làm thất bại âm mưu thành lập tổ chức “Nhà nước Mông” ở Tây Bắc; “Nhà nước Đề Ga, “Tin lành Đề Ga” ở Tây Nguyên; “Vương quốc Champa”, “đất Kampuchia Khmer Krom” ở Tây Nam bộ”;... Đồng thời, đồng bào các dân tộc cũng đã sát cánh cùng với lực lượng chức năng giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng bất hợp pháp (Hội Thánh của Đức Chúa Trời Mẹ, đạo Hà Mòm, Bà Cô Dợ, Dương Văn Mình,...).

Củng cố hệ thống chính trị

Phát huy vai trò của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, PBGDPL. (Trong ảnh: Ông Giàng A Chềnh, dân tộc Mông, Người có uy tín thôn Tiên Tốc, xã Bình An, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang tuyên truyền, vận động Nhân dân )
Phát huy vai trò của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, PBGDPL. (Trong ảnh: Ông Giàng A Chềnh, dân tộc Mông, Người có uy tín thôn Tiên Tốc, xã Bình An, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang tuyên truyền, vận động Nhân dân )

Đồng bào DTTS thường sinh sống ở vùng miền núi và biên giới là những địa bàn trọng yếu trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, trong đấu tranh chống các loại tội phạm đe dọa ổn định an ninh trong nước. Từ nhiều năm nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã duy trì mô hình cán bộ biên phòng tăng cường tham gia cấp ủy ở những địa bàn trọng điểm về quốc phòng – an ninh. Đội ngũ cán bộ BĐBP tham gia cấp ủy địa phương đã tích cực tham mưu để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động cấp ủy, tổ chức đảng ở các địa bàn biên giới đất liền, từ đó góp phần quan trọng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.

Từ hiệu quả của mô hình này, ngày 1/7/2020, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 31-HD/BTCTW thực hiện Kết luận của Ban Bí thư về chủ trương tăng cấp ủy viên là cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới, hải đảo.

 Trước đó, tại Kết luận số 68-KL/TW ngày 5/2/2020, Ban Bí thư đánh giá, chủ trương tăng cấp ủy viên là cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới, hải đảo đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy cấp huyện, cấp xã, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh Nhân dân, biên phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ biên giới vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Cùng với lực lượng quân đội, thực hiện chủ trương tăng cường lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở, Bộ Công an đã điều động cán bộ về các xã biên giới, trọng điểm, có phức tạp về an ninh trật tự. Từ lực lượng nòng cốt này, trong giai đoạn 2011 – 2021, Công an đã xây dựng được trên 700 mô hình quần chúng tham gia phòng chống các loại tội phạm, góp phần xây dựng thế trận an ninh Nhân dân ở vùng phên giậu.

Giai đoạn 2011 – 2021 đã có 28.845 tổ tự quản, 793.835 hộ gia đình đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn bản. (Trong ảnh: Già làng xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk cùng chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpốk bảo vệ đường biên, cột mốc - Ảnh: Lê Hường)
Giai đoạn 2011 – 2021 đã có 28.845 tổ tự quản, 793.835 hộ gia đình đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn bản. (Trong ảnh: Già làng xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk cùng chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpốk bảo vệ đường biên, cột mốc - Ảnh: Lê Hường)

Tiềm lực chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố từ các chương trình hỗ trợ đồng bào các DTTS phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) do lực lượng vũ trang triển khai. Trong đó, nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực như: “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng dân tộc), “Hũ gạo vì người nghèo”, “Kết nghĩa cụm dân cư biên giới”, ”Nâng bước em đến trường”,... Tình quân dân ngày càng bền chặt, đồng bào các dân tộc hăng hái, chủ động tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Theo tổng hợp của UBDT, giai đoạn 2011 – 2021 đã có 28.845 tổ tự quản, 793.835 hộ gia đình đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn bản.

Để tiếp tục góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021-2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg thiết kế Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 3: “Phát triển KT – XH, mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào DTTS và miền núi”, với nguồn vốn thực hiện dự kiến 1.140 tỷ đồng. Mục tiêu của chính sách là xây dựng các mô hình gắn kết quân dân, mô hình giảm nghèo bền vững gắn phát triển KT - XH với xây dựng thế trận phòng thủ và thế trận bảo đảm hậu cần tại các địa bàn chiến lược, qua đó góp phần củng cố tiềm lực an ninh quốc gia ở vùng phên giậu.

Tiểu dự án 3 – Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719 sẽ hỗ trợ các dự án, mô hình chăn nuôi; các dự án, mô hình trồng trọt và mô hình “Cán bộ, chiến sỹ quân đội nâng bước em tới trường”. Phạm vi thực hiện là các xã khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, địa bàn chiến lược về quốc phòng an ninh. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.