Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Củng cố tiềm lực an ninh quốc gia vùng phên giậu: Bồi đắp sức mạnh nội sinh (Bài 2)

Sỹ Hào - 10:30, 15/12/2023

Nếu như “sức mạnh cứng” của một quốc gia được nhận diện bởi tiềm lực kinh tế, hạ tầng kỹ thuật và sức mạnh quốc phòng - an ninh thì bản sắc văn hoá dân tộc là một trong những “sức mạnh mềm”, là sức mạnh nội sinh của dân tộc. Việc thường xuyên bồi đắp, phát triển giá trị văn hóa truyền thống, từ đó phát huy vai trò của đồng bào các DTTS để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là giải pháp củng cố tiềm lực an ninh quốc gia.

Đã có hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các DTTS được phục dựng, bảo tồn và phát triển.
Đã có hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các DTTS được phục dựng, bảo tồn và phát triển.

Bảo tồn bản sắc truyền thống

Đảng ta luôn nhất quán quan điểm tôn trọng tính đa dạng văn hóa và chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc, coi đó là tài sản quý báu của toàn xã hội, là điều kiện quan trọng góp phần xây dựng nền văn hóa chung của quốc gia. Quán triệt quan điểm của Đảng, cùng với các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH), Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS.

Trong đó có Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020” theo Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở Đề án, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình MTQG về văn hóa giai đoạn 2012 – 2015 theo Quyết định số 1211/QĐ-TTg và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 936/QĐ-TTg.

Từ năm 2012 đến 2020, ngân sách nhà nước đã bố trí hàng chục nghìn tỷ đồng để thực hiện 02 chương trình này. Trong đó, tổng kinh phí để thực hiện Chương trình MTQG về văn hóa giai đoạn 2012 – 2015 là 7.399 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 – 2020 là 10.620 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 13.267 tỷ đồng).

Hạ tầng được đầu tư giúp đồng bào DTTS thuận lợi tiếp cận thông tin. (Trong ảnh: Người dân ở xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận thông tin)
Hạ tầng được đầu tư giúp đồng bào DTTS thuận lợi tiếp cận thông tin. (Trong ảnh: Người dân ở xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận thông tin)

Cùng với 02 chương trình nêu trên, công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS còn được “trợ lực” từ các chính sách đặc thù hỗ trợ các dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù. Đó là “Đề án phát triển KT – XH các dân tộc: Mảng, Cống, Cờ Lao, La Hủ” theo Quyết định số 1672/QĐ-TTg, với tổng kinh phí thực hiện theo kế hoạch gần 1.043 tỷ đồng; là Đề án “Hỗ trợ phát triển KT - XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 – 2025” theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg, với kinh phí dự kiến 1.861 tỷ đồng;...

Nhờ đó, đến nay đã có hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các DTTS được phục dựng, bảo tồn và phát triển; hơn 30 làng, bản, buôn truyền thống của 25 dân tộc thuộc các tỉnh đại diện cho vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn, gắn phát triển du lịch với khai thác, phát huy giá trị bản sắc văn hóa. Ngoài ra, đã có hơn 150 di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS được đưa vào Danh mục di sản văn hóa hóa phi vật thể quốc gia (trên tổng số gần 300 di sản của cả nước)… Các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh vùng đồng bào DTTS cũng được quan tâm, lập hồ sơ khoa học và xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt.

Xây đắp nền văn hóa tiên tiến

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được người dân tích cực hưởng ứng. (Ảnh minh họa)
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được người dân tích cực hưởng ứng. (Ảnh minh họa)

Cùng với kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên thì văn hóa truyền thống từng bước được phục dựng, bảo tồn đã củng cố thêm niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước. Khi sức mạnh nội sinh được phát huy, đại bộ phận đồng bào các dân tộc đã được “miễn nhiễm” trước những âm mưu lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch, đóng góp quan trọng vào công tác giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trong quá trình triển khai công tác bảo tồn văn hóa, các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương đặc biệt chú trọng phát huy những giá trị tốt đẹp trong các phong tục, tập quán, lễ nghi, lễ hội của đồng bào các DTTS; đồng thời kiên trì, kiên quyết xóa bỏ những tập tục lạc hậu; từ đó phát triển những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các DTTS trong nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc. Để phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bàn sắc, công tác tuyên truyền, vận động được đặc biệt quan tâm triển khai.

Những nỗ lực “phủ sóng” thông tin đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các DTTS. (Trong ảnh: Ông A Brưk, Người có uy tín, Bí thư Chi bộ thôn KonKol, TP. Kon Tum được cấp Báo Dân tộc và Phát triển )
Những nỗ lực “phủ sóng” thông tin đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các DTTS. (Trong ảnh: Ông A Brưk, Người có uy tín, Bí thư Chi bộ thôn KonKol, TP. Kon Tum được cấp Báo Dân tộc và Phát triển )

Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới thì các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tích cực triển khai chương trình đưa thông tin về cơ sở. Hiện toàn vùng đã có trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; 100% xã có điện thoại cố định và di động, cung cấp các dịch vụ viễn thông và internet… Cùng với đó, từ năm 2016 - 2021, đã chuyển phát 18 loại ấn phẩm báo, tạp chí với số lượng 51,2 triệu tờ cung cấp cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Những nỗ lực “phủ sóng” thông tin đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các DTTS. Điều này không chỉ bảo đảm thực thi quyền tiếp cận thông tin cho đồng bào mà quan trọng hơn là góp phần xây dựng đời sống văn minh trên nền bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Được tiếp cận đầy đủ thông tin giúp đồng bào chủ động hơn trong quá trình tham gia các hoạt động của xã hội và đóng góp, xây dựng, phát triển đất nước.   

Hiện các Bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Dự án 6). Mục tiêu của Dự án là khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các DTTS rất ít người.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.