Công viên đất nung Thanh Hà cách phố cổ Hội An khoảng 3 km. Đến đây, chúng ta được đắm mình vào không gian mộc mạc, đơn sơ đậm chất làng quê Việt Nam qua những lũy tre làng yên ả. Không chỉ có những hình ảnh thân quen của làng quê Việt Nam bằng chất liệu đất nung, các “kiến trúc sư” còn tạo tác nên những mô hình thu nhỏ mô phỏng những công trình tầm cỡ thế giới như Kim Tự Tháp, Tượng Nữ thần tự do, vườn treo Babylon... Du khách đến đây vừa được trải nghiệm không gian gần gũi của làng quê Việt Nam, vừa được chiêm ngưỡng bóng dáng những công trình hiện đại mang tầm vóc thế kỷ.
Toàn khu công viên này được xây dựng làm 3 khu chính với một ý tưởng thống nhất là chiếc bàn chuốt. Mọi sinh hoạt của làng nghề đều được xoay quanh chiếc bàn gỗ này. Nó tượng trưng cho sự luân chuyển không ngừng của thời gian, đồng thời cũng làm nên kết cấu của cả làng nghề. Nguyên liệu là đất và nước hòa quyện vào nhau rồi hun đúc qua nhiều lần lửa để tạo nên sản phẩm gốm màu đỏ au truyền thống. Hai khu nhà đất nung tượng trưng cho lò úp và lò ngửa, thể hiện sự chuyển giao vật chất và tinh thần. Nhìn vào không gian kiến trúc của công viên rất dễ nhận thấy sự phối hợp hài hòa giữa phong cách dân gian và hiện đại.
Hiện nay, Công viên đất nung Thanh Hà được xem là nơi trưng bày gốm có quy mô lớn nhất ở trong nước với sự đa dạng về sản phẩm, mẫu mã. Sản phẩm gốm nơi đây được nặn bằng đất sét lấy từ ven bờ sông Thu Bồn và tạo màu bằng ngọn lửa lò. So với những làng gốm nổi tiếng như Bát Tràng, Vĩnh Long thì nơi đây có điều kiện thuận lợi để vừa phát triển du lịch, vừa phát triển làng nghề bởi Công viên này tọa lạc ở gần phố cổ du lịch Hội An.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Được, người tạo tác nhiều sản phẩm đồ gốm tại Công viên đất nung Thanh Hà chia sẻ: “Cả đời chúng tôi sống chết đều nhờ vào đất. Từ những hòn đất này, chúng tôi không chỉ làm nên những sản phẩm quen thuộc như nồi, chum, vại… mà còn sáng tạo ra nhiều tác phẩm đất nung mang giá trị nghệ thuật cao nhằm tôn vinh làng nghề đã có truyền thống gần 500 năm tuổi…”.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên, Chủ nhân của Công viên đất nung Thanh Hà bày tỏ: “Công viên đất nung Thanh Hà còn giới thiệu, trưng bày các sản phẩm nghệ thuật gốm từ Bắc vào Nam và đặc biệt là các “di sản văn hóa” nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam được thu nhỏ bằng gốm. Vì vậy, công viên không chỉ là nơi quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề đến du khách trong và ngoài nước mà còn là nơi để các nghệ sĩ sáng tác gặp gỡ, giao lưu”.
Hiện nay, Công viên đất nung Thanh Hà không chỉ là một địa điểm tham quan du lịch mà còn là nơi để du khách được trải nghiệm và tham gia các công đoạn làm gốm. Hy vọng mô hình du lịch đầy mới mẻ này sẽ góp phần vực dậy nghề gốm Thanh Hà và mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến phố cổ Hội An- sau thời điểm đã kiểm soát tốt dịch Covid-19.