Kỷ vật thời chiến
Ông Quận mở lời với chúng tôi bằng chất giọng đặc sệt miệt biển: Tôi thích hình tượng người lính với ba lô, cây súng. Nên khi đã trở thành lính thực thụ, tôi càng yêu hơn những gì gắn bó với người lính. Đó cũng là lí do, từ lúc bắt đầu huấn luyện trong quân ngũ, tôi đã sưu tập những kỉ vật chiến tranh để lại.
Vào quân ngũ năm 1995, rồi trở thành lính Hải quân vùng III, nhưng cứ có thời gian rỗi, ông lại dành cho việc sưu tầm kỉ vật chiến tranh bằng cách xin từ bạn bè, đồng đội.
Thuộc thế hệ sinh sau cuộc chiến, nên ngay cả khi đến tuổi trưởng thành, ông Quận cũng không thể hình dung hết chiến tranh khốc liệt đến nhường nào. Nhưng, những gì mà chiến tranh để lại trên vùng đất tuyến lửa, qua sách báo, qua lời kể… đã khiến ông yêu hơn, trân quý hơn hòa bình.
Niềm say mê với những kỉ vật chiến tranh cứ thế đeo đuổi ông những tháng ngày sau xuất ngũ ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng phải đến năm 2018, khi về quê nhà sinh sống, cùng gia đình mở một quán cà phê nhỏ, thì trăn trở xây dựng một “bảo tàng” kỉ vật chiến tranh mới thực sự bắt đầu.
Gọi là “bảo tàng” cho có vẻ cổ, để hấp dẫn hơn một chút thôi, ông Quận hài hước như vậy. Thực tế đây là khu vườn kỷ vật chiến tranh, được thực hiện bên cạnh quán cà phê nhỏ của gia đình. Suốt những năm qua, hàng chục vỏ bom, vỏ mìn, vỏ đạn pháo còn nguyên hay những mảnh vỏ bom, mảnh vỏ đạn… được ông cất công sưu tầm rồi dành thời gian bài trí rất công phu.
Tại sao, ông lại bố trí những quả bom khi thì cắm một nửa xuống đất, khi thì nằm nghiêng, khi lại “phơi bụng”… như vậy? Ông Quận giải thích như một hướng dẫn viên đã kinh qua trận mạc: Ấy, đó là mình mô phỏng hình ảnh những quả bom, quả đạn pháo rơi từ trên cao xuống. Chúng có nhiều tư thế khác nhau, chứ đâu xếp ngay ngắn được. Sau này, khi sưu tầm thêm nữa, tôi sẽ mô phỏng các dạng bom tiếp đất và tái hiện hình ảnh người dân sản xuất dưới mưa bom bão đạn trong thời kỳ chiến tranh.
Quan sát vườn...bom, điều đặc biệt nhận thấy là, những vỏ bom, vỏ đạn… được xếp đặt bằng nhiều tư thế khác nhau nhưng lại rất hài hòa với cây cỏ, hoa lá xung quanh. Theo ý ông Quận, thì đó chính là cách để tạo sự bắt mắt, thu hút người xem; nhưng cũng là để làm giảm đi sự khốc liệt của đạn bom một thời khói lửa.
Hành trình “đưa bom về nhà” của ông Quận, cũng không phải là đơn giản, thậm chí rất vất vả, khó nhọc, nhưng bù lại ông thấm đẫm niềm tự hào, tự tôn của một cựu binh lính thủy. “Khi biết tôi có ý tưởng sưu tầm các vỏ bom, vỏ đạn, vỏ mìn và những kỷ vật thời chiến tranh khác về trưng bày trong khu vườn gia đình, vợ tôi và người thân phản đối gay gắt. Trong cuộc họp thôn xóm, tôi có phát biểu về ý tưởng của tôi, người dân cũng không đồng tình vì nghĩ là nguy hiểm, vi phạm quy định pháp luật. Thậm chí Ban quân sự xã, ban công an xã cũng về kiểm tra”, ông Quận kể.
Thế rồi, khi kiểm tra, thấy tất cả là vỏ bom, vỏ mìn phế liệu, công an và quân sự xã đã rất ủng hộ. Đến nay, ông Quận đã sưu tầm được 70 vỏ bom, vỏ mìn, vỏ đạn pháo; trong đó có những loại vỏ bom như M118, MK84 và nhiều loại kỷ vật chiến tranh khác.
Những kỉ vật này là hành trình chạy xe máy đến các tiệm phế liệu dọc đường Hồ Chí Minh từ tỉnh Nghệ An đến Phú Yên để mua lại; là của đơn vị cũ, là đồng đội cho tặng. Thậm chí, ông còn đưa hẳn địa chỉ, điện thoại liên lạc cho những người dân, các đại lý thu mua phế liệu để mỗi khi nhận thông tin ở đâu có vỏ bom, vỏ mìn là ông lập tức lên đường.
Thông điệp của hòa bình
Từ ngày có khu vườn kí ức chiến tranh, khách lui tới uống cà phê, đến thăm nhà ông nhiều hơn. Những đồng đội, đồng chí biết tin cũng đã đến thăm và chiêm ngưỡng. Còn ông Quận, đã trở nên bận rộn hơn, kể từ khi mở cửa miễn phí đón mọi người đến tham quan. Theo ông Quận thì có nhiều khách đi theo tour du lịch đến chiêm ngưỡng để mong có cái nhìn trực quan, thấu hiểu về lịch sử và nguy hiểm từ bom, mìn mang lại.
Cũng tự ngày nào, khu vườn của ông đã trở thành địa chỉ thân thuộc nhiều nhiều học sinh quanh vùng. Những vỏ bom, vỏ mìn, vỏ đạn pháo được sờ tận tay, được thấy tận mắt sẽ là ví dụ sống động nhất cho những bài học lịch sử ở trong nhà trường.
Ông Quận bồi hồi: Mỗi lần đón du khách hay các em học sinh đến tham quan, tôi lại mặc đồ bộ đội, đội mũ tai bèo và thuyết trình, hướng dẫn nhận dạng các loại bom, mìn trong khu vườn về chủng loại gì, tác dụng mức độ tàn sát ra sao. Những lúc ấy, tôi lại cảm thấy yêu hơn người lính, yêu hơn nền hòa bình, độc lập mà mình đang tận hưởng hôm nay.
Trong cả cuộc trò chuyện, ông Quận đã nhắc đi nhắc lại rằng: Mong muốn của tôi là các cháu học sinh biết để nhận dạng, để phòng tránh tai nạn bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh. Bởi ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh ở tỉnh Quảng Bình và trên đất nước mình còn nhiều lắm.
"Tôi muốn các thế hệ hôm nay và mai sau sinh ra trong thời bình, khi nhìn những hình ảnh vỏ bom, vỏ mìn còn sót lại này sẽ hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh để trân quý cuộc sống hòa bình đang có. Tôi cũng mong muốn các thế hệ sau này, là chủ nhân của đất nước, thì hãy góp sức bảo vệ thành quả cách mạng và đừng để chiến tranh phải xảy ra", ông Quận bộc bạch.