Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Về miền giới tuyến: Gặp nữ Đại biểu Quốc hội vùng giới tuyến (Bài 3)

Thanh Hải - 09:54, 30/04/2022

25 tuổi, cô xã đội phó Nguyễn Thị Dậu trên “đất lửa” Vĩnh Giang (Vĩnh Linh, Quảng Trị) thành nữ Đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ký ức về những ngày làm nghị sĩ, dẫu đã hơn nửa thế kỉ, vẫn vẹn nguyên trong bà, rõ ràng như những ngày cùng dân quân, du kích gùi đạn, tải thương trên bến đò B của dòng Bến Hải.

Di tích bến đò B (bến đò Tùng Luật)
Di tích bến đò B (bến đò Tùng Luật)

Xã đội phó “đất lửa”

Trở lại miền đất giới tuyến, miên man bên những chứng tích của một thời “chia cắt”, trong tôi dậy lên bao xúc cảm khó tả. Nhưng, cuộc gặp gỡ với nữ nghị sĩ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm xưa - Nguyễn Thị Dậu, càng khiến tôi thêm tự hào về một cô dân quân kiên cường, dũng cảm.

18 tuổi, cô thôn nữ Nguyễn Thị Dậu tham gia đội dân quân xã Vĩnh Giang, với nhiệm vụ gùi đạn, tải thương tại bến đò B. Từ sự dũng cảm, mưu trí, nhanh nhẹn… của cô Dậu, đội dân quân xã Vĩnh Giang đã lập được nhiều chiến công, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hai năm sau ngày gia nhập đội dân quân, cô Dậu đã được bầu chọn là xã đội phó.

Bà Dậu nhớ lại: Tôi không nhớ mình đã bao nhiều lần chèo đò chở quân qua sông Bến Hải, bao nhiêu lần thoát chết vì địch bắn phá. Nhưng mặc, đội dân quân của chúng tôi vẫn thoăn thoắt, với nhiệm vụ vận chuyển thương binh, vận chuyển nhu yếu phẩm tại bến đò B.

Đội dân quân xã Vĩnh Giang thời ấy có hơn 300 người, nhưng chia nhiều tổ nhóm, hoạt động ở nhiều bến đò. Có những thời điểm, thương binh chuyển về nhiều, bà Dậu đã phải điều thêm người để vận chuyển ra tuyến sau.

“Việc tải thương hay tải lương đều phải hoàn thành trước khi trời sáng. Thời ấy, cách sông Bến Hải hơn 5km là vùng đất trống. Nên mọi hoạt động trong khu vực này rất nguy hiểm, phải làm chủ yếu về đêm”, bà Dậu kể.

Máy bay Mỹ đánh sập cầu Hiền Lương năm 1967
Máy bay Mỹ đánh sập cầu Hiền Lương năm 1967

Cùng với cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, bến đò B đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, chí quật cường sâu sắc. Trong giai đoạn 1968 - 1972, dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, lực lượng TNXP, Nhân dân thôn Tùng Luật, dân quân xã Vĩnh Giang, Vĩnh Quang thuộc huyện Vĩnh Linh, đã đảm bảo sự hoạt động liên tục của bến đò, kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và đảo Cồn Cỏ anh hùng.

Bến đò B đã đưa hơn 78.000 lượt thuyền qua về, đã vận chuyển hơn 2 triệu lượt người và hàng vạn tấn vũ khí, hàng hoá. Chiến công oanh liệt từ bến đò B, được tôn vinh như một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và Nhân dân huyện Vĩnh Linh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước.

Di tích Bến đò B, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng Quốc gia vào ngày 27/9/1996. Trong thành công ấy, có đóng góp của nữ dân quân Nguyễn Thị Dậu mà cho mãi đến hôm nay, kí ức những ngày trên bến đò B, đã là một phần không thể thiếu trong tâm khảm người phụ nữ kiên cường, dũng cảm trên “đất lửa”.

Bà Nguyễn Thị Dậu cùng người bạn đời ở làng Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang
Bà Nguyễn Thị Dậu cùng người bạn đời ở làng Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang

Hai kì đại biểu Quốc hội

Vì những cống hiến trong những năm tháng mưa bom bão đạn ấy, cô xã đội phó xã đội Vĩnh Giang Nguyễn Thị Dậu, đã được bầu là Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa IV và khóa V.

Kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa IV, cô thôn nữ Nguyễn Thị Dậu mới 25 tuổi và đang là xã đội phó, đến khóa V, thì mới lên làm Hội trưởng Hội phụ nữ xã.

Lá phiếu bầu kì ấy, không chỉ có người dân địa phương mà còn các đơn vị bộ đội đang hành quân qua địa bàn. Những chiến sĩ giải phóng quân năm ấy, đã quá quen với hình ảnh cô xã đội phó gan dạ, mưu trí trên bến đò B.

Bà Dậu cười hồn hậu: “Kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa IV, ngày 11/4/1971, tôi được trúng cử, chính là nhờ phiếu của anh em bộ đội. Đi bầu cử mà nghe mấy anh bộ đội bàn nhau rất “phạm quy”: “Nhớ bầu cho O Dậu xã đội nghe”.

Bà đi họp như thế nào, tôi hỏi cắt ngang dòng hồi tưởng.

Bà Dậu hào hứng: Mỗi lần ra Hà Nội họp cũng gian nan lắm, nhất là cái đận năm 1972 vì chiến tranh ác liệt quá. Tôi phải đi bộ 15km lên Huyện ủy, rồi từ đó có xe chở theo đường 15 (đường Hồ Chí Minh bây giờ) đi hai ba ngày mới ra tới Hà Nội. Đó là đi khi bình thường, còn khi cầu đường bị máy bay ném bom phá, thì có khi cả một hai tuần mới tới. Ra Hà Nội, họp xong lại quay quả về. Tiếp xúc cử tri cũng chỉ nói chuyện… đánh giặc.

Sau nhiệm kỳ Quốc hội khóa IV (1971 - 1975), bà Dậu trúng cử tiếp Đại biểu Quốc hội khóa V (1975-1976) cùng hai đại biểu của khóa IV là ông Trần Đồng và Hồ Ray.

Đây cũng là nhiệm kỳ Quốc hội đặc biệt nhất vì chỉ dài đúng… một năm! Bầu cử Quốc hội khóa V vào ngày 6/4/1975 khi cuộc Tổng tấn công và nổi dậy đang diễn ra trên toàn miền Nam và chỉ hơn ba tuần sau, ngày 30/4/1975 đất nước thống nhất.

Tình hình mới đòi hỏi Quốc hội khóa V có những quyết định mới. Cuối năm 1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên đặc biệt để thảo luận, thông qua đề án thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, cử đoàn đại biểu miền Bắc tham dự Hội nghị hiệp thương với đoàn đại biểu miền Nam.

Tại Hội nghị hiệp thương, các đại biểu của đoàn miền Bắc và đại biểu của đoàn miền Nam đã khẳng định “cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn vững chắc nhất”.

Tại sao, sau hai nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội khóa IV và khóa V, bà không tham gia nữa? Bà Dậu bảo: Thời chiến khác, còn khi hòa bình rồi, bầu những đại biểu Quốc hội phải có trình độ, có hiểu biết về luật, về kinh tế để xây dựng đất nước.

Nhớ tới kỳ bầu cử Quốc hội đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, bà Dậu không khỏi bồi hồi: Hồi nớ khí thế lắm, háo hức lắm, vì đất nước thống nhất rồi. Bà con phấn khởi, sung sướng vì không lo máy bay bất thình lình bổ nhào, không lo pháo hạm bất ngờ câu từ biển vô. Trước bầu cử mấy tuần, không khí đã rạo rực lắm rồi, vì chuẩn bị kỷ niệm một năm ngày thống nhất đất nước, vừa là lần đầu tiên dân hai miền Nam Bắc cùng chung lá phiếu. Với người dân Vĩnh Linh thì lại càng vui hơn vì đây là đất giới tuyến, sẽ không còn cảnh “chia cắt”.

Sau khi thôi nhiệm vụ xã đội phó, bà Dậu chuyển qua làm Hội trưởng Hội Phụ nữ, tham gia Đảng ủy xã, rồi trở về làm một công dân giản dị, vui thú ruộng vườn và nuôi dạy con cái.

Nay, căn nhà nhỏ của nữ Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm xưa nằm nép mình bên những rặng tiêu và vườn cây trái ngút ngát tại làng Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang (Vinh Linh, Quảng Trị).

Bài 4: Làng binh trạm Cự Nẫm

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.