Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Có một Thung Nai no ấm trên Tây Nguyên

Khánh Ngân - 17:40, 02/09/2021

Năm 1993, để nhường đất xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, 56 hộ đồng bào dân tộc Mường ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã di dân vào định cư ở xã biên giới Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi (Kom Tum). Vượt qua bao khó khăn, trắc trở, giờ đây cuộc sống của đồng bào đã ấm no và ngày càng phát triển.

Đồng bào dân tộc Mường ở thôn Thung Nai múa sạp.
Đồng bào dân tộc Mường ở thôn Thung Nai múa sạp

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường, ông Bùi Văn Mẽo, Phó thôn Thung Nai nhớ lại: Để nhớ về quê hương, nơi mình sinh ra và gắn bó, những ngày mới đến đây, 56 hộ dân đã thống nhất và kiến nghị chính quyền địa phương cho lấy tên thôn vẫn là Thung Nai để giáo dục truyền thống cho con cháu biết được nguồn gốc của mình.

Trải qua 28 năm định cư ở vùng đất mới, ngoài sự nỗ lực của người dân, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương còn quan tâm rất chu đáo; điện, đường, trường, trạm được xây dựng đầy đủ. Người dân trong thôn còn được hỗ trợ cây, con giống nên rất an tâm phát triển kinh tế gia đình.

Hiện thôn Thung Nai đã có 134 hộ, với 445 nhân khẩu, cuộc sống của người dân đã có nhiều khởi sắc. Toàn thôn có hơn 80ha cao su, hơn 80ha cà phê và 13 ha lúa nước. Thu nhập bình quân đầu người trong thôn đã đạt 38 triệu đồng, thôn hiện chỉ còn 4 hộ nghèo.

Cùng với việc phát triển kinh tế, đồng bào dân tộc Mường thôn Thung Nai luôn giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng và phong phú ở xã biên giới Đắk Xú. Hiện thôn đang duy trì một đội nghệ nhân đánh cồng chiêng. Với họ, cồng chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng.

Bà Bùi Thị Thạo, thành viên đội cồng chiêng thôn Thung Nai cho biết: Một bộ cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường có 12 chiếc, chia ra làm 3 bộ, gồm chiêng dàm, chiêng bồng, chiêng tlé. Ngoài chức năng là một nhạc cụ, bộ cồng chiêng còn biểu hiện cho 12 tháng trong năm. Đối với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, người đánh cồng chiêng chủ yếu là nam giới, thì với đồng bào dân tộc Mường lại là nữ giới. Ngoài cồng chiêng, hiện đồng bào dân tộc Mường ở thôn Thung Nai còn lưu giữ điệu múa sạp, múa quạt, trang phục và trò chơi ném còn truyền thống…

Theo ông Bùi Duy Nhất, Bí thư Chi bộ thôn Thung Nai, để giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, Chi bộ thôn đã ra nghị quyết, tạo được sự đồng thuận rất cao của người dân trong thôn khi triển khai thực hiện.

Đồng bào dân tộc Mường ở thôn Thung Nai, xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi đã và đang có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc sau 28 năm rời xa quê hương. Mong ước của họ lúc này là các giá trị văn hóa truyền thống mà họ dành tâm huyết gìn giữ bấy lâu nay sẽ tiếp tục được phát huy và được nhiều người biết đến.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.