Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Có một nữ già làng được “kế vị” từ chồng

Ngọc Thu - 11:06, 26/05/2023

Nhờ am hiểu pháp luật, phong tục địa phương, nữ già làng Rơ Châm Phial (SN 1945, làng Tung Breng, xã Ia Krai, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã nhanh chóng phân xử các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong đời sống thường nhật ở làng. Không chỉ thế, bà còn là điển hình làm kinh tế giỏi, đi đầu trong các phong trào ở địa phương.

Nữ già làng Rơ Châm Phial (bên trái) ở làng Tung Breng, xã Ia Krai, huyện Ia Grai, Gia Lai.
Nữ già làng Rơ Châm Phial (bên trái) ở làng Tung Breng, xã Ia Krai, huyện Ia Grai, Gia Lai

Nữ già làng gương mẫu

Năm 2013, khi kế vị già làng từ chồng mình, bà Rơ Châm Phial đã chịu nhiều áp lực từ dân làng. Bởi, việc bầu nữ giới làm “thủ lĩnh” của làng đã phá vỡ truyền thống từ trước đến nay của làng. Tuy nhiên, với hiểu biết, năng lực của mình, bà Phial đã nhận được sự ủng hộ của bà con và được bầu làm già làng.

Nhận thức được trọng trách của “thủ lĩnh làng”, bà Phial luôn gương mẫu trong cuộc sống và công tác. 4 người con của bà đều trưởng thành, làm kinh tế giỏi. Gia đình bà Phial hiện có 4 ha cao su, 700 trụ hồ tiêu; sau khi trừ chi phí, mỗi năm bà thu về hơn 100 triệu đồng.

Đối với dân làng, bà tích cực vận động người dân vào làm công nhân Công ty TNHH một thành viên 715 (Binh đoàn 15). Để mọi người vào làm công nhân, bà đã phải kiên trì vận động đến vài năm. Già làng Phial bảo: “Trong các cuộc họp, tôi phân tích con người muốn có cái ăn, cái mặc, con cái học hành thì phải chịu khó lao động sản xuất. Khi làm việc tại Công ty, mọi người sẽ được hỗ trợ quyền lợi của công nhân như bảo hiểm, lương…, kinh tế gia đình ngày càng ổn định”.

Nghe lời nữ già làng, mọi người lần lượt đăng ký làm công nhân trong Công ty. Từ đó, mối quan hệ giữa làng với Công ty được gắn kết chặt chẽ. Công ty hỗ trợ làng sửa chữa nhà rông, giúp đỡ một số hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Nữ già làng Rơ Châm Phial (làng Tung Breng, xã Ia Krai, huyện Ia Grai, Gia Lai).
Nữ già làng Rơ Châm Phial (làng Tung Breng, xã Ia Krai, huyện Ia Grai, Gia Lai)

“Điểm tựa” vững chắc của làng

Không chỉ điển hình, đi đầu trong làm kinh tế giỏi, bà Phial còn là “điểm tựa” vững chắc của bà con trong làng trong mọi lĩnh vực. Bằng uy tín và sự hiểu biết của mình, bà Phial thường xuyên tuyên truyền, vận động dân làng chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong khi hòa giải, sự thấu tình, đạt lý ở nữ già làng không chỉ giúp đời sống người dân cải thiện, mà tình làng nghĩa xóm thêm khăng khít, dân làng đoàn kết.

Đơn cử như chuyện xích mích giữa ông Lê Văn Toàn với bà Rơ Châm Blip ở cùng làng đã được bà Phial hòa giải nhanh chóng. Trước đó, ông Toàn làm gãy cây trồng trên rẫy, hư hỏng tường rào nhà bà Blip. Nắm tình hình, bà Phial đến tận nhà trò chuyện, phân tích, xác định thiệt hại do ông Toàn gây ra là 3 triệu đồng. Sau khi thống nhất bồi thường, được cởi bỏ những khúc mắc và thống nhất thiệt hại, ông Toàn và bà Blip bắt tay làm hòa.

Bà Blip kể: “Nhờ bà Phial tận tình khuyên giải, nói rõ cho tôi hiểu về pháp luật cũng như tình cảm giữa hàng xóm với nhau, tôi và ông Toàn đã hiểu ra và làm hòa, 2 gia đình vui vẻ trở lại. Giờ đây, mọi người đều nghe theo già làng”.

Nữ già làng Phial cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, xích mích trong gia đình đều xuất phát từ việc con cái, cha mẹ, vợ chồng cư xử thiếu tôn trọng lẫn nhau, các gia đình thường tranh chấp quyền lợi, tài sản. Vì vậy, mình phải khéo léo, cương quyết, không để dây dưa, kéo dài gây mất đoàn kết trong gia đình, hàng xóm”, già làng Phial khẳng định.

Ngoài ra, bà còn tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình không để xảy ra tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, chung tay xây dựng đời sống văn hóa...

Với đóng góp thiết thực của mình, bà Phial 2 lần được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư; Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở...

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.