Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Gương sáng

Nữ già làng đầu tiên của dân tộc Brâu

Thùy Dung - 10:02, 20/03/2023

Ở Tây Nguyên người ta thường quen với hình ảnh những người đàn ông lớn tuổi am hiểu về phong tục tập quán, hiểu biết sâu rộng và có uy tín, được dân làng bầu giữ chức già làng. Tuy nhiên, vượt qua những định kiến, có nhiều phụ nữ được người dân tin tưởng bầu làm già làng. Điển hình trong số đó,là già Y Pan, dân tộc Brâu ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum).

Già làng Y Pan- người có rất nhiều đóng góp cho thôn Đăk Mế
Già làng Y Pan- người có rất nhiều đóng góp cho thôn Đăk Mế

Ngoài 90 tuổi, già làng Y Pan vẫn minh mẫn và nhớ rất nhiều chuyện trong cuộc đời mình. Theo câu chuyện của bà, năm lên 4 tuổi bà đã mồ côi bố mẹ. Lúc này, bà được một đơn vị cách mạng nuôi dưỡng. Lớn lên bà được học chữ, tham gia cách mạng, sau đó bà được tập kết ra Bắc để học ngành Y. Đến năm 1974, thì trở về phục vụ chiến dịch Tây Nguyên. 

Trở về địa phương lúc bấy giờ rất khó khăn, chiến tranh, đói nghèo, mù chữ là bài toán khó nhất lúc bấy giờ. Người dân chìm đắm trong những hủ tục, con trẻ chỉ biết theo chân cha mẹ lên rừng lên rẫy mà không đến lớp. Một vòng luẩn quẩn khiến cho người dân không thể vươn lên”.

Bà nhận thấy việc cấp bách nhất lúc bấy giờ là tham gia kháng chiến, song song với đó vận động người dân tập trung làm ăn để góp sức người, sức của cho cách mạng và đẩy lùi nạn đói. Ngoài ra, việc dạy cái chữ cho người dân cũng là nhiệm vụ hết sức cần thiết. Bà Y Pan thường xuyên phải cùng các cán bộ lên rừng vận động người dân về sinh sống tại làng để làm ăn và cho con cái đến trường.

Già làng Y Pan chia sẻ về những ghi nhận của các cấp, các ngành dành cho bà
Già làng Y Pan chia sẻ về những ghi nhận của các cấp, các ngành dành cho bà

Xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi nơi những người con dân tộc Brâu sinh sống có đường biên giới giáp với 2 nước bạn là Lào và Cam Pu Chia. Bà Y Pan luôn là cầu nối vững chắc giữa các cấp, chính quyền, Bộ đội Biên phòng  và người dân trong công cuộc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới.

 Năm 2014, bà Y Pan được người dân tín nhiệm bầu làm già làng của thôn Đăk Mế.Trên cương vị mới, bà Y Pan tiếp tục vận động người dân thay đổi tập quán canh tác cũ lạc hậu, nói không với hôn nhân cận huyết thống, tích cực cùng nhau chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ở thôn Đăk Mế, già làng Y Pan còn được xem như là vị "quan tòa" của làng trong việc giải quyết những mâu thuẫn, xích mích của người dân. “Muốn người dân nghe mình trước hết mình phải là người gương mẫu. Những mâu thuẫn phải được giải thích rõ ràng, phân tích một cách thấu tình đạt lý để người dân hiểu, như vậy thì người ta mới nghe mình, mâu thuẫn mới được giải quyết”, già Y Pan bảo

Già Y Pan cho biết: “Để có được một thôn Đăk Mế có nhiều thay đổi như ngày hôm nay, là cả một quá trình dài nỗ lực của các cấp, chính quyền, lực lượng Biên phòng và hệ thống chính trị ở thôn. Hiện nay, đói nghèo cơ bản được giải quyết, nhiều hộ dân làm ăn kinh tế khá giả, tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan cũng được đẩy lùi”.

Năm 2021 vì tuổi cao, già làng Y Pan đã xin thôi giữ chức già làng để cho thế hệ trẻ kế cận đảm nhiệm. Tuy nhiên, với những việc già đã làm cho thôn Đăk Mế, hiện nay bà vẫn được người dân tín nhiệm bầu làm Người có uy tín và bà vẫn là nữ già làng đầu tiên của dân tộc Brâu trong lòng người dân.

Tin cùng chuyên mục
Người có uy tín ở Chư Pưh góp sức đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Người có uy tín ở Chư Pưh góp sức đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Tiếp tục phát huy vai trò “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, tiên phong đi đầu trên các lĩnh vực hoạt động phong trào thi đua ở cơ sở, những năm gần đây, Người có uy tín ở huyện Chư Pưh (Gia Lai) còn đang tích cực góp sức trong việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS.