Già làng Ksor H’Blam sinh năm 1945, nguyên là cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai. Cả cuộc đời bà đã rèn giũa được kỹ năng vận động quần chúng. Người làng nhìn thấy cả cuộc đời bà cống hiến cho cách mạng, cho việc làng, không hề vun vén cho bản thân, họ bầu bà làm già làng từ năm 1998. Trước đó, chưa bao giờ phụ nữ được ngồi vào vị trí trang trọng ở nhà rông, bàn việc lớn của làng. Nhưng, ở trong làng, quá nhiều người được bà giúp đỡ, cho mượn bò, mượn tiền, mượn gạo những lúc khó khăn. Lâu dần bà là chỗ dựa của họ, là niềm tin của những phận nghèo. Làm già làng, bà đã đứng ra hòa giải cho nhiều gia đình có mâu thuẫn. Bà hỗ trợ địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giải thích cho đồng bào hiểu được ý nghĩa của việc giữ rừng...
“Trong làng dù việc lớn, việc nhỏ, bộ đội đều phải dựa vào già làng để tiếp cận với cộng đồng. Cách xử lý vụ việc của già H’Blam mềm mại nhưng mạnh mẽ, nên việc khó mấy, có bà cũng giải quyết xong”, Thượng tá Đoàn Văn Khải, cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi, già H’Blam cười: “Nhiều lúc tôi cũng thấy mình giống đàn ông. Việc khó tôi cũng gắng tìm cách giải quyết. Mấy cái bằng khen ghi nhầm là ông già làng Ksor H’Blam, vì họ nghĩ không có nữ già làng”.
Từng là chiến sĩ cách mạng, già Ksor H’Blam cũng là một trong số những người Jrai tiên tiến hiện nay đang cùng với Bộ đội Biên phòng bao bọc những đứa trẻ hoàn cảnh khó khăn. Ngoài 3 đứa trẻ mồ côi được nhận nuôi từ năm 2018, còn có một cháu gái tật nguyền trong một gia đình nghèo cũng được già làng và cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr trông nom săn sóc.
Già Ksor H’Blam chính là người đã từng giữ lại 2 đứa trẻ sinh đôi mất mẹ khi mới sinh ra. Bà là người Jrai dám chống lại lệ làng từ cách đây nhiều thập kỷ. Già H’Blam kể, ngày xưa việc sinh đôi được người khác đồn là ma quỷ nhập vào đứa trẻ, phải giết đi để không gây họa. Một bà mẹ sinh ra 2 đứa trẻ trong một bào thai được coi là điềm xấu. Già H’Blam kiên nhẫn giải thích cho làng, sinh đôi không đáng sợ và không đáng bị gán vào rất nhiều thứ quái gở như thế.
Già Blam luôn quan tâm giúp đỡ người dân, vì vậy uy tín của bà với người làng rất lớn. Dù đã 75 tuổi, nhưng hễ có việc gì còn mới, chưa biết là bà tìm hiểu, học hỏi. Điều ngạc nhiên hơn nữa là bà lý giải những việc khó, những mâu thuẫn một cách tự nhiên, giản đơn khiến cho ai nghe cũng hiểu.
Ở vùng biên giới Ia Mơr không nhiều phụ nữ được đi ra ngoài, được tiếp xúc với nhiều người, nhiều dân tộc khác như bà. Vì vậy những việc làm của già Ksor H’Blam đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân vùng biên giới. Già Ksor H’ Blam trở thành “cây đại thụ” của buôn làng Tây Nguyên.