Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Già làng Kôn Pruôi giữ hồn dân tộc nơi đại ngàn

Minh Thứ - 10:26, 21/10/2019

Ở bản Cu Tài 1, xã A Bung, huyện Đakrông (Quảng Trị), già làng Kôn Pruôi (82 tuổi) được bà con yêu mến kính trọng. Hiện nay, ông được xem như người giữ hồn người Pa Kô (thuộc dân tộc Tà-ôi) nơi đây.

Già làng Kôn Pruôi (ngồi giữa) giới thiệu với khách đến thăm về âm điệu trầm hùng huyền bí của cồng, chiêng​.
Già làng Kôn Pruôi (ngồi giữa) giới thiệu với khách đến thăm về âm điệu trầm hùng huyền bí của cồng, chiêng​.

Lần gặp lại mới đây, già làng Kôn Pruôi cung cấp cho tôi nhiều cái hay của văn hóa người Pa Kô nơi đây. Già làng chia sẻ: Ông yêu các loại nhạc cụ của đồng bào. Thuở nhỏ, nhà nghèo nên ông không có thời gian để theo thế hệ người đi trước học hỏi; thậm chí gia đình ông còn bán hết những nhạc cụ cha ông để lại để mua sắn, mua gạo sống qua ngày. Buồn lắm nhưng chẳng biết làm sao. 

Lớn lên một chút, thì đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh, khó khăn chồng chất. Không những nhà ông mà nhiều gia đình trong bản cũng đem bán đi những thứ nhạc cụ có giá trị của mình để kiếm sống. Cũng từ đây, nhiều nhạc cụ bị thất truyền.

Thời gian cứ trôi theo sự mất mát của các loại nhạc cụ, già cũng trăn trở lắm. Ngày già lấy vợ, chỉ ước có tiếng chiêng gióng lên cùng vũ điệu của người Pa Kô để mừng đám cưới, nhưng không được.

Thế rồi, già làng Kôn Pruôi bắt đầu việc sưu tầm và chế tác các dụng cụ người Pa Kô. Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, trong bản và xã vẫn có nhiều người đam mê giống ông, nhưng họ không đủ điều kiện. Vì thế, ông đã động viên họ chung sức, chung lòng đi sưu tầm các nhạc cụ đã mất của đồng bào mình. 

 “Cứ mỗi lần nghe tin nhà này, gia đình nọ ở bản kia có cái cồng hay cái chiêng tôi tìm đến bằng được. Nếu họ bán, tôi sẵn sàng mua. Mua để giữ lại, chứ không bán cho người khác. Vợ con, người thân phản đối cũng kệ...”, già Kôn Pruôi chia sẻ.

Theo thời gian sưu tầm, vượt qua nhiều khó khăn, đến nay già làng Kôn Pruôi đã sưu tập được 10 chiếc cồng, chiêng; 5 chiếc A đe bung (nồi đồng) lớn, nhỏ cùng nhiều vật dụng sinh hoạt trong đời sống thường nhật của đồng bào Pa Kô.

Không chỉ sưu tập các loại nhạc cụ dân tộc, già Kôn Pruôi cùng các già làng khác còn sưu tầm, phục dựng lại các lễ hội truyền thống của người Pa Kô, như lễ hội Puh Boh (lễ giữ rẫy), lễ hội Aya (hội mùa), lễ hội Ariêu Piing (lễ bốc mả), Kăl năng Mương (lễ hoàn ân thổ thần)… 

Già cũng là người dày công trong việc phục dựng trang phục người Pa Kô và các điệu múa, như múa Toong (múa giữa rẫy), Xiêng câm priing, Ra Yook, Poon Rayoock…; vận động thành lập được đội văn nghệ của bản để phục vụ trong các lễ hội.

Già làng Kôn Pruôi bộc bạch, khi những tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên trong các lễ hội, già thấy như có gì đó thúc giục trong tâm khảm. Từ đó già thấy mình phải cố gắng để phục hồi và trao truyền những nhạc cụ, các làn điệu dân vũ, các lễ hội này cho con cháu mai sau. Già làng Kôn Pruôi bảo, niềm vui cuối đời của ông đã thành hiện thực, bởi hiện nay đã có nhiều người trẻ, nhiều cháu học sinh đã yêu các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào mình. Đây là tín hiệu vui, vì các giá trị văn hóa của người Pa Kô đang phục hồi và hy vọng nó sẽ trường tồn với thời gian… 

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.