Những cái chết thương tâm
Băng qua những con đường cheo leo đất đỏ ba zan nơi đại ngàn, chúng tôi về xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk. Giữa những ngôi nhà dài nằm sâu hun hút trong rẫy cà phê, Trạm Y tế xã Dur Kmăl hiện ra rất khang trang sạch sẽ. Mặc dù mới đầu giờ sáng, nhưng đã có rất nhiều người dân đến để khám chữa bệnh và nhận thuốc.
Chị H’ Lốc Êuôl (Mí Cắt), cộng tác viên y tế tại buôn Dur 1 bùi ngùi nhớ lại, trước đây, đời sống kinh tế của người dân buôn Dur 1 rất khó khăn. Khi sinh thì mời bà mụ, khi ốm thì mời thầy mo về cúng. Cũng từ thực trạng đó mà nhiều người bị chết oan. Cho đến tận bây giờ, người dân buôn vẫn truyền tai nhau những câu chuyện đau lòng đó.
Vào những năm 70 của thế kỷ trước, vợ của Y Brit sinh đôi. Gia đình rất hoảng sợ lúng túng không biết làm thế nào, nên đã mời bà mụ đến cúng và đỡ đẻ. Nhưng do không có kinh nghiệm nên ca đó, cả 3 mẹ con đều đã chết. Hơn 10 năm sau, dân buôn lại chứng kiến cảnh đau lòng của gia đình chị H’Boh. Lúc đó, người dân chưa biết đi trạm xá. H’Boh bị băng huyết vô cùng đau đớn. Trong tiếng than khóc đến đứt ruột của H’Boh, người nhà cùng dân buôn không biết cách nào khác, lại càng thắp nhiều nhang cúng Giàng. Nhưng tàn hương, nước thánh đã không cứu được sản phụ, H’Boh đã mãi mãi ra đi, để lại đứa con đầu lòng.
Đến những năm 90, người buôn Dur 1 lại kinh hãi chứng kiến ông Y Nuh đau bụng quằn quại. Cả buôn có mặt để tìm cách chạy chữa. Gia đình Y Nuh đã thịt cả một con trâu cúng bái 2 ngày trời, nhưng Y Nuh không hề thuyên giảm. Trong nhà Y Nuh khi đó có Y Phăng Niê là cán bộ trạm y tế xã. Y Phăng đã phải “tranh cãi” kịch liệt với người già mới đưa được Y Nuh xuống bệnh viện. Thật may là trường hợp của Y Nuh đưa xuống kịp thời, bác sỹ chẩn đoán là bị đau ruột thừa mổ gấp nên đã cứu sống được. Cũng từ đó, người dân buôn mới tin vào bác sĩ, tin vào thuốc chữa bệnh hơn tàn hương, nước thánh.
Ông Tào Văn Cấp, dân tộc Tày, Trưởng buôn, đồng thời là Người có uy tín ở buôn Krông cho biết, buôn của ông chủ yếu là người Tày di cư từ Cao Bằng vào những năm 90 của thế kỷ trước. Khi mới đến Tây Nguyên, người dân của buôn ông nghèo lắm, đường xá đi lại vô cùng khó khăn. Khi người dân bị ốm đau, họ vẫn theo lệ cũ từ phía Bắc là mời thầy tào về cúng. Thầy tào mặc áo tế, tay cầm chuông, miệng đọc thần chú cùng bùa sắc để đuổi “con ma” ra khỏi người bệnh. Vậy nhưng nhiều người không khỏi, thậm chí phải vong mạng.
"Như trường hợp của ông Ỏn bị đau nhiều ngày, gia đình mời thầy tào tới cúng trên 10 lần, thậm chí đã bán đồ đạc trong nhà để làm đồ cúng nhưng rồi ông Ỏn vẫn không qua khỏi. Cho đến tận bây giờ, gia đình cũng không biết ông Ỏn bị bệnh gì mà chết", ông Cấp kể lại.
Rồi đến 2010, trong buôn có anh Tin bỗng dưng người run bần bật, lúc nóng, lúc lạnh nằm mê man. Cả buôn hoảng sợ mời thầy tào về cúng, thầy tào phán, anh bị ma nhập nhưng cúng 3 ngày không khỏi. Lúc này, người dân mới đưa anh Tin lên trạm xá thì biết anh bị sốt xuất huyết. Rất may sau đó anh Tin đã được chữa khỏi.
Thay đổi quan niệm nhờ BHYT
Đánh giá về công tác khám chữa bệnh vùng DTTS, ông Bùi Công Sự, Giám đốc TTYT huyện Krông Ana cho biết, trước đây nhiều người DTTS còn e dè khi đến đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, từ khi được cấp thẻ BHYT, người dẫn đã tích cực đến khám chữa bệnh nhiều hơn.
Tiêu biểu như tại xã Dur Kmăl, toàn xã hiện nay có 7 thôn, buôn, trong đó đồng bào DTTS chiếm 70%. Người dân chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp nên đời sống hết sức khó khăn. Để có được tỷ lệ người dân đến trạm xá khám chữa bệnh, là cả một chặng đường dài thay đổi nhận thức. Trước đây, người dân vẫn giữ thói quen chữa bệnh bằng cúng bái, vừa mất thời gian vàng cứu chữa người bệnh, vừa rất tốn kém. Nhiều nhà bán trâu, bò, heo, cùng nhiều đồ đạc trong nhà đi để cúng.
Trong những năm gần đây, được Nhà nước tạo điều kiện cấp thẻ BHYT nên đồng bào DTTS đã có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ y tế. Trên địa bàn xã Dur Kmăl hiện nay có hơn 5.000 đối tượng người DTTS được nhận thẻ. Tuy nhiên, trong những năm đầu, số lượng người dân đi khám BHYT cũng rất ít, cán bộ y tế đã phải xuống tận các thôn buôn hướng dẫn, khuyến khích người dân đi khám chữa bệnh. Phương pháp của các cán bộ nơi đây là “mưa dầm thấm lâu”, họ kiên trì bám buôn, tuyên truyền người dân cách bảo quản thẻ BHYT và tích cực đến khám chữa bệnh.
Qua một thời gian, người dân đã nhận thức được lợi ích từ thẻ BHYT và tích cực đến khám chữa bệnh tại trạm xá. Trong năm qua, có 8.426 lượt người đến khám chữa bệnh. Tỷ lệ sinh con tại cơ sở y tế đạt trên 97,3%, tỉ lệ thai phụ được khám thai đầy đủ trong 9 tháng thai kì đạt trên 80%.
Chị H’Luyn Hmok đang mang thai tháng thứ 8 vui mừng chia sẻ, nhờ được cán bộ y tế tuyên truyền, vận động nên từ khi có thai, chị thường xuyên đến Trạm Y tế xã để khám, tư vấn, nhận viên sắt và canxi về uống. Chị còn được các y, bác sĩ ở đây cung cấp nhiều thông tin về cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Những dịch vụ này chị hoàn toàn được miễn phí vì có thẻ BHYT. Nhờ thực hiện đúng những lời dặn của cán bộ y tế trong sinh hoạt, lao động, ăn uống nên hiện tại sức khỏe của chị và thai nhi đều rất tốt.
Không chỉ tăng cường khám chữa bệnh tại trạm, cán bộ còn đến tận nhà thăm khám và phát thuốc cho đồng bào DTTS. Để chăm sóc tốt sức khỏe cho đồng bào, trong những năm qua, trạm đã “tung quân” đến khám sức khỏe tại cộng đồng như trong trường học, nhà văn hóa buôn, làng… Đặc biệt, hàng năm, cán bộ xã lập danh sách các hộ gia đình DTTS có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, gia đình chính sách có công với cách mạng để khám chữa bệnh định kỳ.
Ví dụ như hoàn cảnh của ông Y Lhút Ênuôl, ở buôn Dur 1. Ông Y Lhút bị tàn tật, gần đây ông còn mắc thêm chứng bệnh phù chân voi nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Biết được hoàn cảnh của gia đình ông, Trạm Y tế xã đã cử cán bộ thường xuyên đến thăm hỏi, khám bệnh cho ông.
Chị H’Lui Niê, con gái nuôi của ông Y Lhút cảm động: “Gia đình tôi vốn thuộc diện đặc biệt khó khăn, bố mẹ tôi lại không sinh được con nên càng thêm vất vả. Thời gian qua, được cán bộ y tế xã quan tâm đến tận nhà khám bệnh, lại còn phát thuốc miễn phí nên gia đình bớt đi nỗi lo.”
Có thể khẳng định, nhờ chính sách cấp phát thẻ BHYT mà đồng bào DTTS đã được tiếp cận với nhiều dịch vụ y tế, từ đó nâng cao đời sống, đẩy lùi được hủ tục lạc hậu. Đây thực sự là một chính sách ưu việt, cần tiếp tục được phát triển đến từng người dân...