Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Cơ hội mới của người trồng lúa

Minh Thu - 13:09, 28/07/2024

Việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp mang lại ý nghĩa rất lớn đối với 12 tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), góp phần chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang cơ giới hóa đồng bộ. Đồng thời, giảm chi phí, giảm thất thoát sau thu hoạch, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

 Nông dân ĐBSCL trên đồng lúa (Ảnh minh họa).
Nông dân ĐBSCL trên đồng lúa (Ảnh minh họa).

Những tín hiệu vui

Đề án khởi tạo một phương thức sản xuất mới phù hợp với xu thế sản xuất và tiêu dùng của thế giới; tạo bước chuyển mang tính đột phá về tư duy làm nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn đang phải đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn biến nhanh và khó lường; góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người trồng lúa và doanh nghiệp; giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Trần Lưu Quang Phó Thủ tướng Chính phủ

Trước khi nhân rộng mô hình ra toàn vùng ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp (NN&PTNT) đã chọn thí điểm đề án tại 5 địa phương gồm TP. Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh.

Tại TP. Cần Thơ, mới đây, mô hình thí điểm 50ha lúa chất lượng cao triển khai tại HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận, TP. Cần Thơ đã cho thu hoạch với năng suất, chất lượng đều tăng. Trong đó, điều đặc biệt là đã chứng minh giảm phát thải khí nhà kính từ 2 - 6 tấn/ha. Đánh giá từ Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế và Ngân hàng Thế giới cho thấy, mô hình thí điểm tại TP. Cần Thơ đã chứng minh hiệu quả và là bước khởi đầu để các địa phương trong vùng triển khai, nhân rộng trong thời gian tới.

Theo ông Trịnh Văn Khôn, nông dân ở xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ, mô hình thí điểm tại tại HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận mang lại hiệu quả cao hơn so với canh tác lúa theo cách truyền thống.

“Mô hình này rất tốt cho nông dân. Mới đầu phải có tập huấn nông dân mới hiểu được, làm được, nếu không có lớp tập huấn nông dân chưa chắc mà làm được”, ông Trịnh Văn Khôn chia sẻ.


Đề án 1 triệu ha lúa được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ĐBSCL.
Đề án 1 triệu ha lúa được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ĐBSCL

Theo các nhà khoa học, thông qua những buổi tập huấn về quy trình canh tác lúa theo Đề án 1 triệu ha, người dân ý thức rõ việc sử dụng giống lúa xác nhận, giảm lượng giống khi gieo sạ; thực hiện quy trình canh tác ngập khô xen kẽ, quản lý dịch hại và thu gom rơm rạ theo quy trình. Nếu trong canh tác đáp ứng được các quy trình như trên thì chắc chắn năng suất, chất lượng lúa sẽ đảm bảo. Cùng với đó, có sự cam kết, đồng hành của doanh nghiệp, người dân sẽ yên tâm sản xuất sản phẩm phù hợp với xu thế.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, thực tế triển khai cho thấy, việc thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp mang lại nhiều kết quả tích cực khác khi đã giúp giảm 2 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng lấy rơm rạ khỏi đồng ruộng và giảm 12 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng ngập liên tục áp dụng phương thức vùi rơm rạ sau khi thu hoạch. Về đầu ra cũng có tín hiệu đáng mừng khi nhiều doanh nghiệp đã cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm lúa gạo được sản xuất tại các mô hình thí điểm.

Đề án 1 triệu ha lúa mang lại hiệu quả cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống.
Đề án 1 triệu ha lúa mang lại hiệu quả cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống

Khởi tạo một phương thức sản xuất mới phù hợp với xu thế sản xuất và tiêu dùng của thế giới

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Để triển khai Đề án, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL và Kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, HTX nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện Đề án. Bên cạnh đó, phối hợp các tỉnh rà soát thực trạng các vùng sản xuất về cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất và các biện pháp canh tác. Đặc biệt, rà soát thực trạng các HTX trong Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) giai đoạn 2015 - 2022. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang cùng 12 địa phương và Ngân hàng Thế giới hoàn thiện ý tưởng dự án vốn vay “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL”.

“Đối với các mô hình thí điểm ở TP. Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng trong 3 vụ, bước đầu tổng chi phí đầu vào cho sản xuất giảm từ 10%-15% khi giảm được lượng giống, phân bón và nước tưới. Đáng chú ý, năng suất lúa thí điểm đạt 6,13-6,51 tấn/ha so với mức 5,89 tấn/ha của mô hình đối chứng, lợi nhuận đạt 21-25,8 triệu đồng/ha, cao hơn 1,3-6,2 triệu đồng/ha”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết.

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT nhìn nhận việc triển khai Đề án còn gặp những khó nhăn nhất định khi Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện giảm phát thải trên lúa với quy mô lớn. Các hoạt động triển khai đều mới, chưa có tiền lệ để tham khảo. Cùng với đó, hiểu biết của nông dân về Đề án còn hạn chế, trong khi một số hộ còn sản xuất theo tập quán cũ...

Đề án khởi tạo một phương thức sản xuất mới phù hợp với xu thế sản xuất và tiêu dùng của thế giới
Đề án khởi tạo một phương thức sản xuất mới phù hợp với xu thế sản xuất và tiêu dùng của thế giới

Từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài tại kỳ họp tháng 10-2024; kiến nghị Chính phủ đồng ý chủ trương để làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đối với khoản vay 270 triệu USD, nhằm hỗ trợ thực hiện Đề án.

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Chính phủ đồng ý chủ trương cho cơ quan này đề xuất nguồn vốn ngân sách trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 đối với các hạ tầng chưa được đầu tư từ nguồn vốn WB, ADB; tiếp tục làm việc với WB và các nhà tài trợ để mở rộng khoản vay tiếp sau năm 2027 nhằm bảo đảm đủ vốn cho triển khai toàn bộ Đề án đến năm 2030.

Mới đây, chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về tiến độ triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Đề án khởi tạo một phương thức sản xuất mới phù hợp với xu thế sản xuất và tiêu dùng của thế giới; tạo bước chuyển mang tính đột phá về tư duy làm nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn đang phải đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn biến nhanh và khó lường; góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người trồng lúa và doanh nghiệp; giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023, mục tiêu đến năm 2025, 12 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL trồng 180.000ha lúa phát thải thấp và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho vùng đạt chuẩn. Năm 2030, mở rộng thêm 820.000ha lúa phát thải carbon thấp... Đề án được kỳ vọng sẽ giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho nông dân khoảng 9.500 tỉ đồng; tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.