Tạo sinh kế từ nghề truyền thống
Những ngày này, các thành viên trong Tổ liên kết “đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng” do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Mơ Nông thành lập, rất phấn khởi khi đón hàng trăm lượt du khách đến tham quan trải nghiệm. Tuy mới được thành lập (từ tháng 6/2022), thế nhưng Tổ liên kết đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của du khách về nghề truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Gia Rai.
Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm quy trình tạo ra tấm vải thổ cẩm rực rỡ sắc màu tại câu lạc bộ, tổ liên kết dệt thổ cẩm. Bên khung cửi vang tiếng dệt, các nghệ nhân dệt thổ cẩm thân thiện, vui vẻ, tự hào giới thiệu cho khách những tấm thổ cẩm độc đáo, màu sắc tinh tế, bắt mắt.
Chị Rơ Châm Hyi, Tổ liên kết “đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng”, chia sẻ: Trước đây, chúng tôi chỉ dêt thổ cẩm để phục vụ cho gia đình. Từ khi có tổ liên kết, chúng tôi đón được nhiều du khách đến tham quan, được đưa sản phẩm dệt thổ cẩm ra các địa phương khác, có thêm thu nhập cho gia đình. Chị em phụ nữ ở đây rất vui khi là thành viên và sẵn sàng tham gia gìn giữ, xây dựng tổ liên kết ngày càng phát triển hơn.
Mới đây, Câu Lạc bộ (CLB) Dệt thổ cẩm làng Phung cũng được thành lập, tại các làng trên địa bàn TP. Pleiku trong sự vui mừng của những nghệ nhân. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp bộ “Nghiên cứu và xây dựng câu lạc bộ nghề truyền thống nhằm đảm bảo phát triển sinh kế bền vững của đồng bào DTTS tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai” do Văn phòng Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và UBND TP. Pleiku phối hợp thực hiện năm 2021.
Không chỉ thế, tâm nguyện của nghệ nhân có một phòng trưng bày các sản phẩm tinh hoa của nghề truyền thống, đã thành hiện thực. Đó là không gian để trưng bày những tấm thổ cẩm nguyên miếng, trang phục truyền thống nam - nữ, sản phẩm thời trang từ nghề dệt như vỏ gối, khăn quàng cổ, các loại túi xách, ba lô đủ kích cỡ, móc chìa khóa… Giữa phòng có đặt 1 khung dệt truyền thống, nơi các nghệ nhân tạo ra sản phẩm, đồng thời hướng dẫn du khách trải nghiệm, tìm hiểu nghề thủ công tiêu biểu của người phụ nữ Gia Rai.
Nghệ nhân Pel, Chủ nhiệm CLB Dệt làng Phung vui mừng kể: Chúng tôi tập hợp những phụ nữ giỏi tay nghề nhất của làng để tham gia CLB. Mọi người đều nghiêm túc, tâm huyết, tập trung tạo ra các sản phẩm dệt thật đẹp, nhưng vẫn có sự kế thừa truyền thống và sáng tạo riêng cho phù hợp với nhu cầu cuộc sống. Trong quá trình làm ra sản phẩm, chúng tôi xuyên trao đổi, tìm tòi, đổi mới chất liệu để thổ cẩm có sự mềm mại, mang tính ứng dụng cao, phợp với nhu cầu của khách, thích hợp sử dụng hàng ngày.
Ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Pleiku cho biết: Các mô hình được thành lập trong khuôn khổ đề tài, đã tập hợp được đội ngũ nghệ nhân giỏi để cùng nhau truyền nghề, bảo tồn các giá trị đặc sắc của nghề truyền thống, đồng thời tạo sinh kế cho người dân. Từ khi ra mắt phòng trưng bày đến nay, CLB Dệt làng Phung đã bán được nhiều sản phẩm. Đây là những mô hình thiết thực, đúng với định hướng của TP. Pleiku về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Chung tay gìn giữ, phát huy nghề truyền thống
Với mong muốn gìn giữ và phát huy nghề truyền thống, mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo về triển khai Quyết định số 801/QĐ-TTg về chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban ngành, các đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo về việc triển khai Nghị định số 52/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
Đồng thời, chủ động theo dõi, cập nhật đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương về triển khai Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả.
Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh nhận định: Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch xanh đang là xu hướng bởi tính bền vững và nhân văn. Những ngôi làng như làng Phung, Ia Nueng vẫn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, gần thắng cảnh Biển Hồ - biểu tượng của du lịch Gia Lai nên rất thuận lợi trong tuyến tham quan của khách du lịch. "Nếu cộng đồng bảo tồn, phát huy được các giá trị, thì đây có thể trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn".
Các địa phương cần tăng cường quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc, sản phẩm thủ công truyền thống của bà con. Ngược lại, các sản phẩm bà con làm ra, cũng cần sáng tạo hơn để có tính ứng dụng cao vào đời sống hàng ngày.
Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm thấp nhưng chất lượng phải tốt hơn. Có như vậy, sản phẩm mới phát triển, giúp bà con vừa bảo tồn văn hóa, vừa phát triển kinh tế và thu hút du khách, phát triển du lịch”.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nghề truyền thống không chỉ mang đặc trưng giá trị văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập, mà còn thu hút khách du lịch. Vì vậy, việc khai thác và phát huy nghề truyền thống theo hướng du lịch, đã mở ra hướng đi mới, mang đến hiệu quả kép: vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của nghề, vừa mang lại lợi ích kinh tế - xã hội.
Bà Phạm Thị Hương Giang, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Trưởng Ban hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, cho biết: Tôi rất ấn tượng, đánh giá cao về các mô hình, tổ liên kết của chị em phụ nữ ở Gia Lai. Mô hình, tạo thu nhập bền vững cho phụ nữ vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, những hoạt động trải nghiệm truyền thống sẽ giúp cho thế hệ trẻ và tiếp nối hiểu về văn hóa của vùng Tây Nguyên. Đây là những hoạt động rất ý nghĩa để giữ gìn nghề truyền thống của đồng bào, phát triển du lịch cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch ở vùng Tây Nguyên.
"Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ có rất nhiều các hoạt động để đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, trong đó có tổ liên kết, hợp tác xã về nghề dệt truyền thống tại Gia Lai", bà Hương Giang chia sẻ thông tin.