Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Cơ hội gia tăng giá trị rừng trồng từ Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia

Minh Thu - 02:39, 07/07/2024

Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (Vietnam Forest Certification Scheme) của Việt Nam có tên viết tắt là VFCS được xây dựng theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Không chỉ mang lại những lợi ích về kinh tế, VFCS còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Khai thác rừng trồng keo theo nhóm hộ tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Khai thác rừng trồng keo theo nhóm hộ tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh

Lợi ích bền vững từ Hệ thống VFCS

Gỗ và lâm sản ngoài gỗ khai thác từ rừng được chứng nhận theo VFCS/PEFC sẽ cơ bản đáp ứng yêu cầu của Liên minh Châu Âu (EUDR). Đây cũng là nguồn nguyên liệu được nhiều chuyên gia khuyến nghị sử dụng để đáp ứng yêu cầu khắt khe của EUDR khi mốc thời gian áp dụng EUDR đang đến rất gần (1/1/2025).

Ông Nguyễn Hoàng TiệpPhó Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững

Đầu năm 2023, nhóm hộ gia đình trồng rừng tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã được Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas Certification Vietnam cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho 1.058,97ha rừng trồng keo theo tiêu chuẩn quản lý của VFCS/PEFC (The Programme for the Endorsement of Forest Certification (PEFC) là Hệ thống chứng chỉ rừng lớn nhất thế giới).

Nhóm hộ có 339 thành viên, là những hộ gia đình có diện tích rừng trồng keo trên địa bàn 38 thôn thuộc 7 xã của huyện Cẩm Xuyên. Từ năm 2022, HTX Lâm Nghiệp Thừa Thiên Huế - đơn vị làm đại diện cho việc cấp chứng chỉ đã phối hợp với các hộ gia đình tại huyện Cẩm Xuyên để tổ chức quản lý rừng bền vững theo nhóm hộ.

Các hoạt động bao gồm hỗ trợ xây dựng nhóm, tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhóm và nâng cao năng lực cho các hộ gia đình về quản lý rừng bền vững, tổ chức triển khai các hoạt động quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn của hệ thống VFCS/PEFC và thực hiện giám sát, đánh giá.

Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững VFCO đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối thị trường, đặc biệt là các sản phẩm keo và cao su.
Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững VFCO đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối thị trường, đặc biệt là các sản phẩm keo và cao su

Cùng với đó, Mô hình liên kết cũng đã được thiết lập khi HTX Lâm Nghiệp Thừa Thiên Huế cam kết tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng keo có chứng nhận VFCS/PEFC cao hơn so với giá gỗ keo trồng chưa có chứng chỉ rừng tại cùng thời điểm. Ngoài ra việc quản lý rừng bền vững theo hệ thống VFCS/PEFC còn mang đến nhiều lợi ích khác cho chủ rừng như nâng cao năng suất, chất lượng rừng, nâng cao các giá trị môi trường và xã hội của rừng.

Hoạt động tổ chức quản lý rừng bền vững theo nhóm hộ tại huyện Cẩm Xuyên đã và đang mở ra cơ hội phát triển quản lý rừng bền vững tại tỉnh Hà Tĩnh. Địa phương này đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2030 có khoảng 37.000ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS với kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội lựa chọn cho các chủ rừng trên địa bàn trong việc quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng và nâng cao các hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường từ rừng.

Chứng chỉ rừng quốc gia giúp các sản phẩm từ rừng của Việt Nam đảm bảo tính hợp pháp và khả năng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của các nhà nhập khẩu quốc tế.
Chứng chỉ rừng quốc gia giúp các sản phẩm từ rừng của Việt Nam đảm bảo tính hợp pháp và khả năng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của các nhà nhập khẩu quốc tế

Góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

Theo ông Nguyễn Hoàng Tiệp, Phó Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO), Hệ thống VFCS/PEFC không chỉ mang lại những lợi ích về kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Từ việc nâng cao chất lượng và năng suất rừng, đảm bảo tính hợp pháp và minh bạch, đến việc thúc đẩy phát triển cộng đồng địa phương, chứng chỉ này đang trở thành một tiêu chuẩn quan trọng cho ngành lâm nghiệp Việt Nam.

Các diện tích rừng có chứng chỉ VFCS/PEFC sẽ giúp nâng cao chất lượng và năng suất rừng nhờ việc sản xuất khoa học, đúng tiêu chuẩn. Việc áp dụng các tiêu chuẩn này giúp các chủ rừng tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế, bao gồm quản lý, sử dụng đất và rừng.

Theo chia sẻ của ông Trần Cao Bằng - một chủ rừng ở tỉnh Nghệ An, rừng không đốt thực bì sẽ có độ ẩm tốt, giúp cây phát triển nhanh. Ngoài việc không đốt thực bì, các tiêu chuẩn còn hướng dẫn trồng cây theo hàng lối, duy trì khoảng cách giữa các cây. Điều này không chỉ giúp cây phát triển tốt hơn mà còn giảm rủi ro bấp bênh khi giao dịch với thương lái.

“Thực tế cho thấy, sau hơn 1 năm áp dụng các tiêu chuẩn của VFCS/PEFC, những cây keo của gia đình tôi đã cao 4 - 5m, thân thẳng, gốc to, đường kính lên đến 10cm” - ông Bằng cho biết.

Gỗ và lâm sản ngoài gỗ khai thác từ rừng được chứng nhận theo VFCS/PEFC sẽ cơ bản đáp ứng yêu cầu của Liên minh Châu Âu
Gỗ và lâm sản ngoài gỗ khai thác từ rừng được chứng nhận theo VFCS/PEFC sẽ cơ bản đáp ứng yêu cầu của Liên minh Châu Âu

Có thể khẳng định, việc trồng rừng theo các tiêu chuẩn VFCS/PEFC không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn bảo vệ môi trường. Các tiêu chuẩn này giúp duy trì và nâng cao hệ sinh thái, giảm nhẹ ảnh hưởng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều này cũng góp phần thúc đẩy phát triển cộng đồng địa phương. Đồng thời, giúp các sản phẩm từ rừng của Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế. Các tiêu chuẩn VFCS/PEFC giúp đảm bảo tính hợp pháp và khả năng truy xuất nguồn gốc của lâm sản, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của các nhà nhập khẩu quốc tế với các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội.

Ông Nguyễn Hoàng Tiệp khẳng định: Gỗ và lâm sản ngoài gỗ khai thác từ rừng được chứng nhận theo VFCS/PEFC sẽ cơ bản đáp ứng yêu cầu của Liên minh Châu Âu (EUDR). Đây cũng là nguồn nguyên liệu được nhiều chuyên gia khuyến nghị sử dụng để đáp ứng yêu cầu khắt khe của EUDR khi mốc thời gian áp dụng EUDR đang đến rất gần (01/01/2025). Đặc biệt, trong khi nhiều chủ rừng khác còn chưa sẵn sàng thì các chủ rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS sẽ có cơ hội lớn để mở rộng thị trường của mình.

The Programme for the Endorsement of Forest Certification (PEFC) là hệ thống chứng chỉ rừng lớn nhất thế giới, chứng nhận 320 triệu ha rừng, chiếm 75% tổng diện tích rừng có chứng chỉ trên toàn cầu. Hiện tại PEFC có 55 quốc gia thành viên. Hơn 20.000 công ty tại 83 quốc gia đã tin tưởng lựa chọn PEFC để chứng minh nguồn gỗ và các sản phẩm từ gỗ tới từ các khu rừng được quản lý bền vững và hợp pháp.