Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chuyện về người được tặng Huân chương Lenin

Nguyễn Thanh - 10:20, 07/01/2021

Từng đón nhận phần thưởng cao quý - Huân chương Lenin, từng khiến nhiều kĩ sư Liên Xô “mất chức” vì những sáng tạo không ngờ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật (KHKT), nhưng ông vẫn nhảy việc, rồi xin nghỉ về quê bán nước kiếm sống. Dẫu vậy, niềm đam mê khoa học âm ỉ khiến ông không dứt được, để rồi đêm về ông lại mò mẫm với những đề tài nghiên cứu mới...

Ông Hà luôn say sưa với những nghiên cứu khoa học
Ông Hà luôn say sưa với những nghiên cứu khoa học

Khắc phục sự cố cho kỷ sư Liên Xô

Năm 1969, khi còn đang ở Tổng cục Vật tư, ông Hoàng Hữu Hà được lệnh về làm việc với đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp Việt Nam thi công đường ống dẫn dầu ngầm đầu tiên từ Bãi Cháy - Hạ Long về đến Phú Xuyên - Hà Tây. Thời điểm ấy, Ka-ma-rốp là kĩ sư có thâm niên 20 năm trong nghề xây dựng, được giao làm Tổng công trình sư, phụ trách thi công. Thế nhưng, khi lắp đặt xong đường ống và kéo qua sông thì gặp “sự cố” đứt gãy 3 lần.

“Tôi đã đề nghị phương án thi công theo hướng khác nhưng các kĩ sư Liên Xô không tin. Chính Ka-ma-rốp còn nói rằng - nếu Việt Nam ai làm được thì sẽ tạc tượng”, ông Hà kể lại.

Năm 1976, đề tài “Gia cố bờ giật cấp sau khi đặt đường ống” của ông Hoàng Hữu Hà đã đạt giải Nhất sáng tạo KHKT của Bộ Vật tư. Năm 1977, đề tài này tiếp tục đạt giải Nhất các cơ quan Trung ương đóng tại Hà Nội. Tại Liên hoan “Sáng tạo KHKT của thanh niên các nước XHCN” tổ chức tại Matxcơva, ông Hà giành được giải thưởng và được Liên Xô tặng thưởng Huân chương LeNin.

Nhưng rồi, vì sự khẩn cấp của công trình với mục tiêu cung cấp xăng dầu vào Nam phục vụ kháng chiến. Lại sắp đến mùa mưa bão nên cấp trên chỉ định phải hoàn thành trước ngày 31/5/1971. Vậy là ông Hà được phép làm thử. 

Khi ấy, ông mới 23 tuổi. Chẳng ai ngờ 10 ngày sau, công trình đã hoàn thành, tiết kiệm được đến 90% thời gian thi công và giảm tới 90% khối lượng. 

Ông Hà nhớ lại: “Tôi đã dùng rọ đá (thường bỏ đầu các dầm cầu) thay thế ống gang đúc ôm ống (bugi cố định) mà các kĩ sư Liên Xô đã làm rồi cho rọ đá đè lên. Vì vậy, khi đường ống (nổi) dẫn qua dòng nước xoáy thì không còn bị tác động của dòng chảy khiến ống không còn rung mạnh và đứt như trước.

Trước “kì tích” ấy, chiều ngày 1/6/1971, đích thân Phó Thủ tướng Đỗ Mười (phụ trách xây dựng cơ bản) nghe tin đã xuống công trình xem. Ông Hà đã được trực tiếp báo cáo với Phó Thủ tướng về việc mình đã làm.

Từ thành công đó, ông Hà được chỉ định nghiên cứu, sửa đổi lại bản thiết kế công trình đường ống dẫn dầu vượt sông Hồng. 

Ông Hà tự hào: “Từ năm 1971 - 1973, cả 3 kĩ sư người Liên Xô được phái sang phụ trách công trình đường ống dẫn dầu nhưng gặp sự cố và chính tôi đã gỡ nguy các sự cố đó”.

Huân chương LeNin của ông Hà
Huân chương LeNin của ông Hà

Đặc biệt, công trình thứ 3, ông Hà được giao nhiệm vụ gia cố bờ phải sông Hồng sau khi đặt đường ống. Ở công trình này, ông Hà đã tìm ra giải pháp “gia cố bờ giật cấp sau khi đặt đường ống”, tiết kiệm được 80% khối lượng cát vàng phải chở từ Hòa Bình và Quảng Ninh về; đồng thời ông đã chỉ đạo thi công gia cố bờ hoàn thành trong một năm.

Đau đáu với những công trình dang dở

Sự nghiệp của ông Hà đứt gánh giữa chừng. Trong quá trình công tác, biết lãnh đạo của mình có hành vi tiêu cực, ông Hà đã viết đơn tố cáo. Sau lần tố cáo ấy, nhiều người xem ông là kẻ gàn, dở hơi. 

Cảm thấy lạc lõng giữa các đồng nghiệp, ông Hà xin chuyển về Công ty Vật tư tổng hợp Nghệ Tĩnh làm giám sát xây dựng. Đến năm 1983, ông Hà xin chuyển về ban kế hoạch huyện Kỳ Anh. Công tác được một thời gian, ông xin nghỉ việc về mở quán bán nước tại quê nhà xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh)

Tưởng rằng, “đứt” nghề thì bỏ nghiệp, nhưng ngọn lửa đam mê nghiên cứu vẫn rực cháy trong ông. Ngày bán nước, xem tình hình thế giới, đất nước, ông lại nảy ra những ý tưởng cho các công trình khoa học và tối về lại ngồi viết. Nhiều công trình ông gửi Cục Sở hữu trí tuệ, có thư trả lời chấp thuận nhưng không có tiền để tiếp tục công đoạn khác.

Tôi luôn khát khao được đi đến cùng các công trình khoa học, nhất là 2 công trình sau này

Ông Hoàng Hữu Hà

Ông Hà ngậm ngùi: “Năm 2004, tôi gửi 6 đề tài ra Cục Sở hữu trí tuệ, trong đó có đề tài “Không làm lại cầu, mở rộng mặt cầu bằng mặt đường để tránh gây tai nạn”. Tôi không có tiền để đi đến cùng nhưng sau thấy người ta cũng đã làm theo phương án này khi cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A”.

Lần giở những trang bản thảo, ông Hà cho biết: “Tôi đã viết xong 2 đề tài, rất muốn được thẩm định nội dung để đưa vào thực tiễn, đó là “Đập không trôi” và “Nhà ở cho vùng động đất”. “Đập không trôi” hiện nay chưa thấy ai làm được, nó rất tiết kiệm và ưu việt. Còn “Nhà ở cho vùng động đất”, tôi thực hiện theo nguyên lý xếp các bao diêm, tránh thiệt hại người và tài sản khi động đất xảy ra”.

Những kỉ vật một thời của ông Hà
Những kỉ vật một thời của ông Hà

Cứ thế, ông Hà say sưa nói về các công trình khoa học với chúng tôi, hết công trình này đến công trình khác. Bà Nguyễn Thị Ty, vợ ông ngồi kế bên, hóm hỉnh: “Hồi 3 đứa con còn nhỏ, ông ấy về mang theo một ba lô nặng cứ tưởng mua sữa, kẹo. Đứa nào cũng mừng nhưng khi mở ra thì chưng hửng vì… toàn sách”.

Nặng cái này thì nhẹ cái kia. Phần lớn chuyện con cái, nhà cửa đều một mình người vợ đảm đang quán xuyến. Cả một đời đam mê khoa học, hễ có được đồng nào, ông lại đi mua sách, rồi cứ ngồi viết, viết đến thâu đêm. 

“Tôi luôn khát khao được đi đến cùng các công trình khoa học, nhất là 2 công trình sau này, nhưng gia đình không có tiền. Có hôm ngồi buồn, tôi buột miệng với vợ chuyện bán nhà chia đôi, phần của tôi sẽ đầu tư hoàn thiện công trình, nhưng vợ im lặng nên tôi không thực hiện”, ông Hà trải lòng.

Chia tay, ông Hà khoe: “Trường Đại học Xây dựng đã mời tôi cùng cộng tác. Sắp tới, những ý tưởng về “Đập không trôi”, “Nhà ở cho vùng động đất” sẽ được các nhà nghiên cứu, các đơn vị chuyên môn, các cấp lãnh đạo liên quan đặt lên bàn cân xem xét thực hiện".

 Nhìn mắt ông, tôi tin những phát minh mà ông đã nghĩ ra sẽ rất có ích cho đời...

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.