Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyện về hai cô giáo “đi xin” ở vùng cao Quảng Ngãi

Lê Phương - 11:20, 16/12/2019

Chỉ cần nghe thông tin ở đâu có khả năng “xin” được là các cô lại chủ động liên lạc, để xin hỗ trợ. Một lần chưa được thì xin nhiều lần. Chính sự chân thành của các cô đã thuyết phục được nhiều nhà hảo tâm từ khắp mọi nơi. Nhờ vậy, học sinh ở các điểm trường vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi) đã có được nơi học tập, vui chơi tốt hơn.

Cô Ngô Thị Hoa trong lớp học do chính mình vận động xây dựng
Cô Ngô Thị Hoa trong lớp học do chính mình vận động xây dựng

Năm 1996, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, cô Ngô Thị Hoa trở về quê hương huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi) dạy học. Sau 1 năm đứng chân dạy học ở xã vùng khó Trà Bùi (huyện Trà Bồng), đến năm 1997, cô được phân về phụ trách giảng dạy tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa xã Trà Nham.

Ngày ngày chứng kiến học trò của mình đến lớp với tà áo mong manh, chân trần lấm bẩn, ngồi học trong căn phòng tồi tàn, rách nát đã thôi thúc cô Hoa phải làm một điều gì đó để giúp các em. “Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, tôi quyết định kết nối, liên lạc với những bạn bè, đồng nghiệp khắp nơi trên cả nước về những nỗi nhọc nhằn, thiếu thốn mà con em đồng bào DTTS nơi mình dạy học đang nếm trải để họ thấu hiểu và giúp đỡ các em”, cô Hoa chia sẻ.

Từ tấm lòng chân tình, sự chia sẻ, vận động của cô Hoa, những món quà là những tấm áo, chiếc quần, tập vở, trang sách, đến từng gói bánh, cân gạo... được mọi người khắp cả nước san sẻ gửi về. Niềm hạnh phúc lớn nhất của cô trò là năm học 2016 - 2017 nhận được 1,2 tỷ đồng từ Bộ Công an và Thành đoàn Đà Nẵng để xây dựng 7 phòng học mới thay thế các phòng học tạm bợ cho nhà trường.

Có được niềm tin từ những lần vận động, hỗ trợ xây trường, cô Hoa tiếp tục kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ từ các hội từ thiện khác. Theo đó, nhóm từ thiện Phước Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) và nhóm thiện nguyện Quảng Ngãi đã hỗ trợ 800 triệu đồng để xây dựng hệ thống sân trường, công trình nước sạch, nhà vệ sinh...

Ở Trường Mầm non Trà Xinh, cô Hiệu trưởng Trần Thị Minh Hiền (1981) cũng đã dành cả tuổi thanh xuân để chăm lo cho những mầm non ở một trong những nơi còn nghèo nhất nước. Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Trà Bồng, tuổi thơ của Trần Thị Minh Hiền gắn liền với cuộc sống gian truân, vất vả của người dân miền sơn cước.

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm mầm non, cô Hiền xin về công tác tại Trường Mầm non Trà Xinh (Tây Trà). Sau hơn 2 năm công tác, cô Hiền được phân về làm công tác quản lý tại Trường Mầm non Trà Khê, rồi đến Trà Phong. Đến năm 2012, cô được phân công về làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Trà Xinh.

Trà Xinh là xã đặc biệt khó khăn. Chứng kiến cảnh gần 60 cháu ở lứa tuổi mầm non hằng ngày phải leo con dốc đầy sỏi đá để đến điểm trường chật chội, nằm tách biệt với khu dân cư, cô Hiền quyết định “làm người đi xin”. Vận dụng hết mọi mối quen biết gần xa, cô Hiền lân la dò hỏi xin kinh phí từ các mạnh thường quân để lo cho các cháu có nơi học tập, vui chơi tốt hơn. Sự nỗ lực của cô đã được đền đáp khi có nhà hảo tâm hỗ trợ số tiền 450 triệu đồng để xây dựng điểm trường mầm non thôn Trà Kim, xã Trà Xinh.

Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng bằng tấm lòng và sự tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, các cô đã tạo cho các em học sinh vùng cao có điều kiện tốt hơn và có một động lực để tiếp tục con đường đi tìm con chữ. Hy vọng ngày càng có nhiều những cô giáo vùng cao mở lòng “đi xin” và các nhà hảo tâm cũng mở lòng giúp đỡ để ngày càng có nhiều những ngôi trường mới mọc lên, để con chữ nảy mầm trên vùng đất vốn còn nhiều gian khó này.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.