Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyện thoát nghèo bên dòng sông Bốc

Thiên An - 15:13, 20/08/2021

Sông Nghinh Tường là phụ lưu của sông Cầu, còn được người dân tại xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên gọi bằng một cái tên rất lạ - sông Bốc. Hơn 20 năm qua, nhờ khai thác hiệu quả khu đất bãi màu mỡ dọc bờ sông Bốc mà đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có cuộc sống đầy đủ ấm no.

Mỗi năm Gia đình ông Hoàng Văn Mão thu hơn 30 triệu đồng từ việc bán bê con
Mỗi năm Gia đình ông Hoàng Văn Mão thu hơn 30 triệu đồng từ việc bán bê con

Hơn 20 năm về trước, khu vực đất bãi ven dòng sông Bốc chảy qua xã Cúc Đường chỉ có một vài hộ dân canh tác, còn lại là bỏ hoang để cỏ dại, cây lau sậy mọc um tùm. Nhận thấy đất đai ở đây khá màu mỡ, lại có nguồn nước dồi dào, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên bà con đồng bào dân tộc Tày, Mông ở các xóm Trường Sơn, Mỏ Chì, Bình Sơn đã chuyển về đây lập nghiệp.

Từ vài hộ dân ban đầu đến nay, đã có trên 50 hộ sinh sống trên dải đất này. Nhờ cần cù, chịu khó, những người nông dân đã “biến” diện tích đất bỏ hoang thành ruộng lúa, nương ngô, bãi cỏ voi bạt ngàn.

Ông Hoàng Văn Mão, dân tộc Tày, cho biết: Trước đây, ông sinh sống ở xóm Trường Sơn, xã Cúc Đường. Do gia đình thiếu đất sản xuất, lại đông con nên cách đây hơn 20 năm, ông với người con trai thứ hai chuyển về xóm Tân Sơn, ngay cạnh dòng sông Bốc để sinh sống và phát triển kinh tế. Cùng với việc tích luỹ, mua lại đất sản xuất của một số người dân bỏ hoang và khai hoang thêm, đến nay gia đình ông có gần 6 sào đất để canh tác ngoài bãi sông.

“Trước đây, gia đình chủ yếu trồng ngô, lúa nhưng hiện nay, tôi đã dành 3 sào để trồng cỏ voi chăn nuôi bò. 3 năm trở lại đây gia đình đầu tư chăn nuôi 4 con bò sinh sản, trung bình mỗi năm thu về được hơn 30 triệu đồng từ việc bán bê con. Nhờ đó, cách đây 2 năm, gia đình tôi đã ra khỏi diện hộ nghèo và vươn lên trở thành hộ khá; có điều kiện để nuôi con cái ăn học, sắm sửa các trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình”, ông Mão vui vẻ kể.

Gia đình anh Hoàng Văn Giàng thu được gần 1,5 tấn thóc/ vụ cấy
Gia đình anh Hoàng Văn Giàng thu được gần 1,5 tấn thóc/ vụ cấy

Đi dọc dòng sông Bốc chúng tôi gặp anh Hoàng Văn Giàng, dân tộc Mông đang nhanh tay xếp những bao thóc lên xe, anh Giàng kể: Nhà anh có 3 sào ruộng, nhưng thấy một số gia đình không có nhu cầu cấy lúa nên anh đã nhận thêm 4 sào ngoài bãi sông này để cấy rẽ. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên năng suất lúa đạt trên 2 tạ/sào, gia đình tôi cũng thu về được gần 1,5 tấn thóc.

Được biết, 5 năm trở lại đây chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển một phần diện tích trồng ngô, lúa sang trồng cỏ voi để chăn nuôi gia súc. Đến nay, trung bình mỗi gia đình có từ 1-5 sào cỏ và chăn nuôi từ 3-4 con trâu, bò sinh sản, vỗ béo. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khá giả hơn.

Ông Hoàng Quốc Anh, Chủ tịch UBND xã Cúc Đường cho biết: Trong số 50 hộ dân sống dọc hai bên bờ sông Bốc, thì chỉ có hơn 50% hộ có đường đi lại thuận tiện do có con đường liên xã chạy qua, còn phía bên kia sông mới chỉ có con đường mòn nhỏ, hẹp chỉ vừa một xe máy đi được. Để tạo thuận lợi cho việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hoá nông sản đi tiêu thụ, vừa qua xã đã giải phóng mặt bằng, mở rộng đường để chuẩn bị đổ bê tông trong thời gian tới. 

"UBND xã cũng đã xây dựng kế hoạch, đưa vùng đất này thành vùng sản xuất cây nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích đất trồng. Đồng thời, khuyến khích các hộ thành lập hợp tác xã chăn nuôi nhằm liên kết, tạo đầu ra ổn định", Chủ tịch UBND xã Cúc Đường chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.