Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Chuyến tác nghiệp đáng nhớ

Thanh Hải - 10:31, 21/06/2022

Gần 1 tuần lăn lê ở tâm điểm sạt lở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cách đây 2năm về trước đã cho tôi một trải nghiệm về nghề không thể phai mờ…

Tác giả tác nghiệp tại Trà Leng
Tác giả tác nghiệp tại Trà Leng

Nghệ An cuối tháng 10/2020 mưa như trút nước. Tôi đang tác nghiệp tại huyện Tương Dương thì nhận lệnh của Tổng Biên tập: “Vào Trà Leng ngay, kịp thời đưa tin tình hình mưa lũ ở Quảng Nam”.

Để hỗ trợ tôi, Ban Biên tập đã gửi giấy giới thiệu trực tiếp. Giấy giới thiệu ấy, tôi đã phải vào một hiệu ảnh ở Tp. Vinh để scan ra mấy tấm. Trước đó, cả vùng Trung bộ mưa lớn nhiều ngày; nhiều đoạn Quốc lộ 1A vẫn còn ngập, phải rất vất vả tôi mới có thể vượt qua.

18 giờ tối 30/10, tôi có mặt tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bắc Trà My. Hơn 30 phút trò chuyện cùng Trung tá Võ Văn Thành, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn bộ binh 885 (Quân khu V) tham gia cứu nạn, tôi đã có cái nhìn toàn cảnh về thảm họa lở núi tại thôn 1, xã Trà Leng. Tối ấy, 22 giờ 38 phút, bài viết đầu tiên của tôi: “Nỗi đau mang tên sạt lở đất” đăng tải.

Lót tạm mấy gói mì, tôi tìm vội một nhà nghỉ nhỏ tá túc. Ngôi nhà nghỉ có cái tên rất đẹp - Bình Minh, nhưng nhỏ nhắn và trông có vẻ khắc khổ như cuộc sống của cư dân miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam.

5 giờ 30 sáng ngày 31/10, tôi có mặt tại Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại Ban chỉ huy Quân sự huyện Bắc Trà My. Trời vẫn một màu xám xịt, báo hiệu một đợt mưa lớn sẽ tiếp tục trút xuống, gây khó khăn thêm cho công tác cứu hộ, cứu nạn.

Hơn 7 giờ, Trung tướng Thái Đại Ngọc, Tư lệnh Quân khu 5 hội ý với lực lượng làm nhiệm vụ trực tiếp cứu hộ, cứu nạn ở Trà Leng tại Sở Chỉ huy tiền phương thuộc huyện Bắc Trà My. Tôi hỏi nhanh rất nhiều lái xe tham gia chở đoàn công tác vào cứu hộ, cứu nạn, nhưng rất tiếc là xe nào cũng kín người và hàng hóa. Cuối cùng, tôi đã gặp may khi bám theo xe của những đồng nghiệp Báo VOV miền Trung còn chỗ trống.

Người dân thất thần dõi theo công tác cứu hộ
Người dân thất thần dõi theo công tác cứu hộ

Chưa hết những khó khăn, trong suốt cả quá trình tác nghiệp ở Trà Leng, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn do khu vực sạt lở bị phong tỏa, hạn chế ra vào. Mấy anh em đã trình Thẻ Nhà báo, giấy giới thiệu, nhưng lực lượng làm nhiệm vụ vẫn không cho tiếp cận hiện trường. Và, chúng tôi đã nảy ra kế: Phỏng vấn lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tại hiện trường. Hôm ấy, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường đã đồng ý phương án của chúng tôi và anh em phóng viên đã lọt qua hàng rào phong tỏa không thể dễ dàng hơn. Có Bí thư Cường, việc tác nghiệp đã rất thuận lợi và dễ dàng. 3 ngày vào Trà Leng là cả 3 ngày tôi ăn mì tôm sống, lương khô rồi uống nước lọc để cầm cự. Bởi lấy đâu ra cơm giữa bốn bề rừng núi sạt lở, khi mà công việc cứu hộ, cứu nạn được ưu tiên trên hết.

Chuyến công tác vào Trà Leng, tôi đã gặp may. May vì mình đã bình an suốt cả hành trình, may vì mình đã gặp được những đồng nghiệp tốt bụng, sẵn sàng san sẻ lúc khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Trải qua gần 1.700 km cho cả hai hành trình đi và về từ Nghệ An đến Trà Leng; đã có 5 ngày trải nghiệm không bao giờ quên nơi thảm họa thiên tai vùi dập nhiều người ở thôn 1. Dẫu chỉ có 4 bài viết về thảm họa sạt lở núi năm ấy, nhưng đó là những ghi chép chân thực, sinh động, đầy nước mắt, hiểm nguy nơi miền Tây Quảng Nam…

Tin cùng chuyên mục
Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 7 - 10/9, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, mưa lớn kéo dài liên tục, xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt ở huyện Nguyên Bình có 3 điểm sạt lở tại các xóm Khuổi Ngọa, Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, làm chết, bị thương và mất tích nhiều người. Ngay khi mưa lũ xảy ra, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, triển khai công tác ứng cứu.