Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyện khởi nghiệp của hai thanh niên trên vùng đất nắng, gió

Khánh Ngân - 18:06, 19/09/2021

Dải đất miền Trung đầy nắng và gió, lại lắm bão lũ thiên tai. Có lẽ vì thế mà con người ở miền đất này cũng “rẳn rỏi” và mang trong mình khát khao được vươn lên mạnh mẽ. Anh Trần Xuân Hiếu ở xã Gio Quang, huyện Gio linh (Quảng Trị), anh Thiều Quang Đường ở thôn Hoa Đông, xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh)...là những người như vậy.

Anh Trần Xuân Hiếu khởi nghiệp thành công với mô hình chăn nuôi gà
Anh Trần Xuân Hiếu khởi nghiệp thành công với mô hình chăn nuôi gà

Đi nhiều nơi không đâu bằng quê hương

“Trước đây, hai vợ chồng tôi mưu sinh với nhiều nghề, ở nhiều nơi khác nhau, nhưng kinh tế gia đình không mấy ổn định. Nay tôi tận dụng diện tích đất của gia đình để làm và mong muốn có một mô hình điểm cho người dân trong vùng học tập, làm theo”. 

Đó là lời tâm sự đầu tiên khi chúng tôi tìm đến trại nuôi gà của anh Trần Xuân Hiếu ở xã Gio Quang, huyện Gio linh (Quảng Trị). Giọt mồ hôi đã lăn trên má, nhưng nụ cười rất tươi của người “chiến thắng trong hành trình khởi nghiệp”. Từ những ngày đầu với bao vất vả như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm…,bằng ý chí vươn lên mạnh mẽ và đôi bàn tay cần mẫn, đến nay gia đình anh Hiếu đã có một gia trại tổng hợp quy mô lớn, cho thu nhập cao.

Mô hình trại gà được phân chia thành hai khu riêng biệt, tương ứng với từng loại gà. Loại mới vào chuồng một bên, gà gần xuất chuồn một bên. Tất cả đã được đầu tư quy mô, xử lý rất tốt về môi trường. Trung bình mỗi năm, gia đình anh xuất chuồng 3 lứa, mỗi lứa dao động trong khoảng 3.000 - 3.500 con gà, cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng/ năm.

Khi đã tích lũy được vốn từ nuôi gà, anh Hiếu đầu tư nuôi thêm trâu, bò sinh sản. Nhờ có quỹ đất chăn thả và đất trồng cỏ, nên trâu, bò nhà anh Hiếu phát triển, sinh sản tốt. Đến nay, gia đình anh Hiếu có 10 con trâu, bò sinh sản. Mỗi năm xuất bán 5 - 7 con bê, nghé, cho thu nhập 150 triệu đồng.

Đất đã không phụ lòng người, công sức và tiền của bỏ ra đầu tư đã cho sinh lời. Chỉ trong vòng 10 năm, cuộc sống của gia đình anh Hiếu đã thay đổi rõ rệt. Không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân, anh Hiếu còn luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương, nhiệt tình giúp đỡ các hộ dân có nhu cầu đến học hỏi kinh nghiệm phát triển mô hình gia trại, trang trại tổng hợp.

Từ hai bàn tay trắng, trải qua nhiều nghề, nhiều nơi mưu sinh, bằng ý chí và khát khao cháy bỏng vươn lên làm giàu, gia đình anh Trần Xuân Hiếu đã khởi nghiệp thành công, với mô hình gia trại tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Có tiền đề vững chắc để nuôi các con ăn học, gia đình lại được ở bên nhau không phải bươn trải đất khách mưu sinh.

Đưa chim trời về nuôi nhốt

Gia đình anh Thiều Quang Đường ở thôn Hoa Đông, xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lại khởi nghiệp với mô hình nuôi chim le le. Đây là mô hình nuôi chim le le đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh. Khi thí điểm, anh Đường mua 500 con giống từ tỉnh Tây Ninh về để nuôi. Sau hơn 2 tháng nuôi, le le nhà anh đã cho xuất bán. Trừ hết chi phí như con giống, công chăm sóc, thức ăn, gia đình anh thu lời hơn 40 triệu đồng.

Anh Thiều Quang Đường là người tiên phong nuôi Le Le ở tỉnh Hà tĩnh
Anh Thiều Quang Đường: Mô hình nuôi chim le le vốn đầu tư ban đầu ít, thời gian thu hồi vốn và có lãi nhanh

Le le vốn là giống chim trời hoang dã, sống trong môi trường tự nhiên, có khả năng miễn dịch cao. Khi được  thuần hóa và chăn nuôi, chúng vẫn giữ được hệ miễn dịch tốt. Việc chăm sóc giống chim le le thương phẩm không quá phức tạp, chỉ cần giữ chuồng trại, nguồn nước sạch. Bên cạnh đó, thức ăn le le rất đơn giản, chủ yếu là lúa ngoài ra cho le le ăn thêm các loại rau, ốc, cá, tép...

Anh Thiều Quang Đường chia sẻ: “Quá trình thả nuôi, đàn le le thích ứng rất tốt với điều kiện khí hậu ở Kỳ Anh. Le le khá dễ chăm sóc, có tỷ lệ sống hơn 99% lại có giá thương phẩn cao. Nếu bán sỉ cho khách lấy số lượng lớn, mỗi con le le có giá 320.000 đồng, có thời điểm lên đến 500.000 đồng/con”

Điều đặc biệt, con le le có đầu ra rất lớn, người nuôi luôn trong tình trạng khan hàng. Đàn 500 con le le đầu tiên của gia đình anh Đường, được thương lái ở Nghệ An thu mua hết, cho tổng doanh thu đạt hơn 160 triệu đồng. “Mặc dù đã bán hết le le thương phẩm, nhưng ngày nào cũng có người điện thoại đến để hỏi mua le le”, anh Đường cho biết.

"Mô hình nuôi chim le le vốn đầu tư ban đầu ít, thời gian thu hồi vốn và có lãi nhanh. Với chu kỳ đầu tư 2 tháng, người nuôi có thể đã có lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng, với quy mô nuôi 500 con. Rất phù hợp với những người vừa hồi hương về quê tránh dịch, sớm ổn định cuộc sống, tính kế lâu dài", anh Đường gợi mở cách làm kinh tế.

Anh Trần Xuân Hiếu và anh Thiều Quang Đường, chỉ là hai trong nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công bằng ý chí và nghị lực trên mảnh đất miền Trung khô cằn. Có thể thấy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, sự thành công ấy càng thêm ý nghĩa và như là những bài học hữu ích để nhiều thanh niên khác học hỏi, chăm chỉ lao động vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê hương.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.