Mỗi chiếc áo vua giá 10 cây vàng
Câu chuyện bắt đầu từ thời chiến tranh, sau biến cố năm Mậu Thân 1968, nhiều gia đình ở Huế chạy vào Sài Gòn, trong đó có những gia đình hoàng tộc. Đợt này nhiều cổ vật xuất xứ từ những phủ đệ, hoàng cung ở Huế cũng lưu lạc theo từng bước chân loạn lạc.
Trong số đó có một gia đình dòng dõi tôn thất, đem theo nhiều đồ quý của gia tộc chạy vào Sài Gòn, trong đó có 3 chiếc áo vua và 2 chiếc áo hoàng tử.
Theo những người theo dõi câu chuyện, giới săn tìm cổ vật tại Sài Gòn lúc bấy giờ cũng muốn mua lại cổ vật từ gia đình tôn thất. Nhưng trong vài năm ngụ tại Sài Gòn, gia đình vị tôn thất này đã nhờ người mai mối để bán lại bộ sưu tập gồm áo vua và áo hoàng tử cho Viện Khảo cổ Sài Gòn.
Đây là dấu mốc quan trọng để một nhóm các phẩm phục cung đình, hiện vật gốc của Việt Nam, không bị "chảy máu" ra nước ngoài nếu rơi vào tay giới săn tìm cổ vật.
Tiếp theo, đến năm 1974, Viện Khảo cổ Sài Gòn đã nhượng lại cho Viện Bảo tàng quốc gia Việt Nam, chính là Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí MInh ngày nay.
Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí MInh hiện vẫn còn giữ được quyển sổ của Viện Bảo tàng quốc gia Việt Nam ghi danh mục các hiện vật đăng ký tại bảo tàng. Trong mục đề ngày 25/9/1974, hai chiếc áo vua được đánh số 5134 và 5135 có ghi cụ thể giá mua vào của Viện Khảo cổ lúc ấy lần lượt là 250.000 đồng và 420.000 đồng.
Theo tài liệu còn lưu giữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, giá vàng tại Sài Gòn năm 1972 khoảng 32.000 đồng/lượng, vậy 2 chiếc áo vua lúc bấy giờ được Viện Khảo cổ mua giá tròm trèm 20 cây vàng.
Hiện vật vô giá
Nhưng đó chỉ là cái giá do Viện Khảo cổ Sài Gòn bỏ ra để mua, giữ lại hai hiện vật quý của triều Nguyễn. Theo TS Hoàng Anh Tuấn - giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí MInh, giá trị của hai chiếc áo vua này là không đo đếm được.
Các chất liệu bằng đoạn, sa, gấm triều Nguyễn dùng may phẩm phục, các đường nét kỹ thuật thêu, đồ án hoa văn thủy ba, rồng năm móng và bốn móng, hoa văn hình cánh dơi... đều là đề tài để giới nghiên cứu tìm hiểu về văn hóa cung đình và các ý nghĩa có tính điển lệ của vương triều Nguyễn.
Hai chiếc hoàng bào này, một chiếc may bằng đoạn màu vàng, một chiếc màu đỏ, đều là loại hoàng bào tay rộng.
Chiếc màu vàng nổi bật giữa thân áo là hình thêu con rồng lớn năm móng, uốn khúc hình chữ U về bên trái áo, đầu và đuôi rồng nằm thẳng góc với đường nối giữa vạt áo, toàn thân rồng phủ một lớp vảy thêu tỉ mỉ bằng sợi kim tuyến vàng.
Đặc biệt ở lần lụa lót trước ngực áo chỗ xẻ chéo để cài nút, có 4 chữ Hán viết bằng son: Đồng Khánh ngự lãm. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, đây là thủ bút của vua Đồng Khánh (1864 - 1889) đề khi ông xem qua chiếc hoàng bào này (có thể lúc áo mới hoàn thành dâng lên), do vậy đây là bằng chứng xác thực chiếc hoàng bào này của vua Đồng Khánh.
Chiếc áo bào màu đỏ còn đặc biệt hơn, trước ngực áo thêu con rồng bốn móng bằng sợi chỉ vàng nổi bật trên nền gấm màu đỏ.
Điểm độc đáo của chiếc áo này là cụm chữ Hán nằm ở mặt trong lưng áo nơi bên dưới cổ. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, trong một lần xem xét hiện vật bảo tàng để khảo tả về các cổ vật triều Nguyễn, ông đã phát hiện cụm chữ Hán này.
Hiện nay, chiếc áo này được cất kỹ trong kho của bảo tàng, chỉ những dịp đặc biệt mới được đem ra. Trong một dịp hiếm hoi, ông Hoàng Anh Tuấn cho phép người viết tận mắt xem chiếc áo vua và cụm chữ Hán gồm 15 chữ, viết bằng son thành 3 hàng dọc: đặc tứ hoàng tử công long bào/ tiềm để cựu dụng/ Đồng Khánh ngự phê.
Như vậy, đây cũng là một chiếc áo của vua Đồng Khánh nhưng theo thủ bút ngự phê của vua còn để lại trên áo, chiếc áo này vốn được vua mặc lúc chưa lên ngôi. Có lẽ chính vì vậy nên dùng đồ án rồng bốn móng thêu trên ngực áo.
Đây là hai chiếc hoàng bào còn lưu giữ nguyên vẹn, đặc biệt nét chữ chân phương của vua Đồng Khánh với màu son còn tươi là hiện vật vô giá của bảo tàng.
Áo cũ của vua để lại cho con
Điểm thú vị ở chiếc hoàng bào màu đỏ là chính thủ bút của vua làm lộ ra một nét sinh hoạt có tính chất nội bộ/ hậu cung của triều Nguyễn: áo cũ của vua hết dùng, để lại cho con.
Theo lẽ, con vua Đồng Khánh thuộc hàng hoàng tử, theo quy chế cũng được ban áo mũ đúng cách. Nhưng đây là một trường hợp riêng, vua Đồng Khánh có lẽ thấy chiếc long bào mình mặc lúc còn là hoàng tử, lâu nay cất ở dinh, bèn lấy ra ban riêng cho con.
Xem các chữ Hán "đặc tứ hoàng tử công long bào" (đặc biệt ban cho vị hoàng tử chiếc long bào), và "tiềm để cựu dụng" (dùng từ lâu, cất ở dinh), đủ thấy nguồn gốc xuất xứ và cách hành xử nghĩa tình của vua Đồng Khánh.