Lễ dựng nêu là nghi lễ cổ có ý nghĩa trong đời sống tâm linh, tập tục truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Dưới triều Nguyễn, tục dựng nêu thường được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp đánh dấu sự ngừng nghỉ các công việc triều chính trong năm. Nêu được dựng trước dinh phủ, đình chùa, trước điện Thái Hoà và các miếu trong Đại Nội. Cây tre được chọn làm nêu là loại tre đực, cao, to. Cây nêu được các lính vệ vác cùng đội nghi thức và ban lễ nhạc cung đình rước từ cửa Hiển Nhơn tiến về Thế Miếu (nơi thờ các vị vua triều Nguyễn) trong âm thanh của các bài tiểu nhạc.
Trên ngọn nêu treo ấn tín, bút lông, đoản kiếm, nêu dựng lên, phải cử lính canh cho đến ngày khai hạ. Ngày dựng nêu lên, triều đình thường cho bắn súng lệnh từ Kỳ Đài để cáo với đất trời. Tiếng súng lệnh dứt, từ khắp các huyện, phủ và triều đình đều được nghỉ ngơi sau một năm lao động nhọc nhằn để ăn Tết, chơi Xuân.
Trên cơ sở chất liệu cung đình, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã xây dựng một kịch bản có tính nghi thức về dựng nêu trong chốn hoàng cung, nhằm tạo nên một sinh hoạt điểm nhấn và không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên đán.
Nét đặc biệt của lễ dựng nêu tại Hoàng cung Huế là luôn gắn liền với đại nhạc, tiểu nhạc và các nghi thức rất trang trọng. Khi cây nêu được dựng lên, đầu ngọn nêu được treo ấn, tín, văn phòng tư bảo, biểu trưng của việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi trong những ngày Tết.
Tục dựng nêu ngày Tết là một trong những phong tục văn hóa không chỉ của riêng Việt Nam mà của nhiều nước Á Đông. Đối với người Việt Nam, sự ảnh hưởng này đã trở thành một nét văn hóa tốt đẹp ngàn đời.
“Lễ dựng nêu trước đây ở trong cung đình là xuất phát từ dân gian nhưng trong cung đình thì lễ dựng nêu báo hiệu thời gian nghỉ Tết của triều đình. Ngày xưa người ta thường đêm một cái giỏ và treo một số ấn vàng để thông báo rằng là nghỉ Tết rồi. Cho nên dựng nên dựng nêu trong cung đình là dựng sớm nhất, khi nào hạ nêu là báo hiệu thời gian đi làm lại", Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế giải thích.