Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyên gia "hiến kế" phát triển kinh tế - xã hội trong đại dịch COVID-19

PV - 12:02, 27/09/2021

Khoảng 80 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực và các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Lao động quốc tế… đã bày tỏ quan điểm chuyên sâu, độc lập, nhiều góc nhìn, mang tính xây dựng của mình để phát triển kinh tế - xã hội chất lượng, bền vững.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi Toạ đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi Toạ đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu.

Sáng 27/9, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Toạ đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế- xã hội. Toạ đàm được tổ chức bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến với địa điểm chính tại Hà Nội và một số địa phương khác trên cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì toạ đàm. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng chủ trì Tọa đàm.

Đây là Tọa đàm tham vấn chuyên gia đầu tiên được tổ chức trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, với sự tham dự của khoảng 80 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực và các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Lao động quốc tế…

Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, năm nay do đặc thù của dịch bệnh, việc tổ chức tọa đàm theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhưng vẫn thu hút được sự quan tâm của các cơ quan của Quốc hội, nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý hàng đầu trong nước và quốc tế.

Bày tỏ mong muốn có được nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của các chuyên gia, các cơ quan đơn vị, các tổ chức quốc tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định các ý kiến của tọa đàm là kênh thông tin quý giá để Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về kinh tế - xã hội; diễn đàn cũng là nơi để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý bày tỏ quan điểm chuyên sâu, độc lập, nhiều góc nhìn, mang tính xây dựng của mình để phát triển kinh tế - xã hội chất lượng, bền vững.

 Các đại biểu tham dự Toạ đàm (Ảnh: Lâm Hiển)
Các đại biểu tham dự Toạ đàm (Ảnh: Lâm Hiển)

Cần sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau đại dịch

Tham dự Toạ đàm, các đại biểu đều nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam với diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền Nam và nhiều địa phương trong cả nước đã gây tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời đề cập đến các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thu, chi ngân sách nhà nước; giải pháp để kiểm soát lạm phát, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán; giải pháp để khôi phục thúc đẩy các hoạt động dịch vụ, các hoạt động bán lẻ, sản xuất công nghiệp; các giải pháp khắc phục việc đứt gãy chuỗi cung ứng, bình ổn giá nguyên vật liệu thiết yếu, chi phí logictic và không để đứt gãy thị trường trong nước cũng như thế giới…

Báo cáo tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022, TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, qua tham vấn sâu rộng với các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp cho thấy triển vọng kinh tế Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: khả năng kiểm soát dịch; khả năng bảo đảm phục hồi sản xuất; khả năng bắt nhịp thực hiện một chương trình sâu rộng về phục hồi và phát triển kinh tế…

Trên cơ sở phân tích bối cảnh và những thách thức đang đặt ra, TS Nguyễn Thị Hồng Minh đưa ra một số khuyến nghị chính sách trong thời gian tới.

Trong đó, đáng chú ý, bà đề nghị cần sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch COVID-19. Cần lưu ý 3 giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế, với cách tiếp cận khác nhau nhưng đều nhấn mạnh yêu cầu thực hiện hiệu quả các chính sách, cụ thể:

Giai đoạn 1 (đến quý I/2022): ưu tiên phòng chống dịch COVID-19, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô (kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ cho doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn, và duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Giai đoạn 2 (đến hết 2023): sau khi kiểm soát dịch COVID-19, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp. Duy trì và đổi mới cải cách môi trường kinh doanh để tạo thêm không gian cho doanh nghiệp.

Giai đoạn 3 (sau 2023): Bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.

Bà cũng đề nghị nghiên cứu, khuyến khích các mô hình kinh tế mới ở thị trường trong nước (kinh tế số, thương mại điện tử, kinh tế tuần hoàn...) để tạo thêm không gian kinh tế trong nước.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành; thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện các gói hỗ trợ và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Với Quốc hội, bà Minh đề nghị cần phát huy công tác xây dựng luật để bảo đảm kịp thời, chất lượng, giảm chồng chéo, qua đó củng cố khung pháp lý cho các hoạt động sản xuất – kinh doanh, kể cả các hoạt động kinh tế mới; thường xuyên lắng nghe tiếng nói của cử tri ở các địa phương trong cả nước; tăng cường công tác giám sát, nhất là giám sát chuyên đề đối với những lĩnh vực cử tri đặc biệt quan tâm; tiếp tục đồng hành với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, huy động hợp lý, hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Quốc hội cần tiếp tục đồng hành, đề ra những yêu cầu đối với Chính phủ để thực hiện hiệu quả hơn nữa các FTA trong bối cảnh mới”.

Trong khi đó, đánh giá về chính sách tài khóa 2021, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Học Viện Tài Chính cho rằng năm 2021, dự toán thu và chi NSNN đã thận trọng hơn và bám sát hơn các yếu tố vĩ mô quan trọng như tăng trưởng GDP và lạm phát. Dự toán NSNN năm 2021 đã cân nhắc các yếu tố thách thức như dịch COVID-19 và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA.

Về chính sách tài khóa năm 2022, ông cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có những thay đổi khó lường và gần như hết hy vọng về chính sách Zero COVID, sống chung với dịch bệnh trở thành lựa chọn của nhiều quốc gia. Vì vậy, xây dựng chính sách tài khóa năm 2022 sẽ phải quan tâm đến một số vấn đề: rủi ro của các yếu tố bên ngoài có thể tác động xấu đến tăng trưởng làm giảm nguồn thu NSNN và tăng chi NSNN; dự toán thu và chi NSNN cần tiếp tục duy trì sự thận trọng hơn và theo nguyên tắc lường thu mà chi, cần có giải pháp chính sách để theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành NSNN ở tất cả các cấp; Kế hoạch tài chính 5 năm và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm cần có những thay đổi để phù hợp với tình hình mới…

4 đề xuất giúp Việt Nam đi vào trạng thái bình thường mới

Tại toạ đàm, các chuyên gia, đại diện các tổ chức nước ngoài đã chia sẻ những nhận xét, ý kiến về các diễn biến tài chính, đầu tư, thương mại toàn cầu năm 2021, dự báo năm 2022 và các năm tiếp theo; diễn biến mới nhất của kinh tế thế giới và những tác động tới kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Ông Jacques Morisset, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chỉ ra, tác động mạnh mẽ của lần bùng phát thứ 4 của đại dịch COVID–19 đã khiến Việt Nam từ nước có mức tăng trưởng thuộc nhóm các quốc gia cao của thế giới trong năm 2020 (2,9%), đã xuống nhóm có mức tăng trưởng trung bình. Dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2021 của Việt Nam là 4,8%, đây là mức tăng trưởng trung bình trên thế giới. Trong khi đó, các quốc gia ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có mức tăng trưởng GDP cao nhất là 7,6%, khu vực Nam Á có mức tăng là 7,3%, các quốc gia thu nhập trung bình trên thế giới cũng có mức tăng GDP trung bình khoảng 6,8%.

Chỉ ra 5 nguyên nhân của kết quả đi xuống ở Việt Nam, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho là do tình hình y tế xấu đi; các chương trình tiêm chủng chậm ngay cả khi đã được tăng tốc trong thời gian gần đây; hạn chế di chuyển nghiêm ngặt hơn; chính sách ứng phó về kinh tế có quy mô nhỏ và thiếu cân bằng; các chương trình trợ giúp xã hội còn rụt rè, hạn chế.

Ông Jacques Morisset cũng đã đề xuất 4 bài học để thúc đẩy quá trình phục hồi và giúp Việt Nam đi vào trạng thái bình thường mới.

Cụ thể, tốc độ phục hồi tương quan chặt chẽ với quy mô của các chương trình tiêm chủng, nhưng xét nghiệm vẫn là biện pháp quan trọng để ngăn chặn đại dịch. Bởi, các quốc gia có chương trình tiêm chủng tích cực hơn dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2021.

Việc hạn chế di chuyển một cách thông minh sẽ giúp cân bằng mối quan tâm về an toàn và kinh tế. Điều này có nghĩa vẫn cần duy trì một số hạn chế di chuyển vì mọi người đều có thể làm lây nhiễm COVID-19 ngay cả khi đã được tiêm chủng nhưng cách ly có mục tiêu để hiệu quả nhất về chi phí đồng thời giám sát chặt chẽ, chia sẻ thông tin để điều chỉnh các biện pháp hạn chế di chuyển.

Bài học tiếp theo được đại diện Ngân hàng Thế giới đề cập là tái cân bằng hướng sang chính sách tài khoá nhiều hơn và sang chính sách tiền tệ ít hơn.

Đặc biệt, Việt Nam cần tăng cường khả năng phục hồi thông qua một hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt. Để làm được điều này cần phân bổ thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội; xây dựng một cơ quan đăng ký xã hội quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật số, để nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương; mở rộng quy mô thanh toán điện tử, để tiếp cận một cách hiệu quả những người thụ hưởng đã được xác định.

Phát biểu tại toạ đàm, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhấn mạnh đến việc bắt kịp những cơ hội từ nền kinh tế số.

Ông cho rằng, sự xuất hiện của các nền tảng kỹ thuật số đã giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (hay còn gọi là MSME) tiến hành hoạt động kinh doanh trực tuyến và giúp họ tiếp cận thị trường toàn cầu. Nhiều nền tảng như vậy đơn giản hóa hoạt động hậu cần và thậm chí thường tích hợp chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị xuyên biên giới biến chúng thành phương tiện cho thương mại quốc tế. Khả năng tổng hợp, tích hợp và mở rộng quy mô của các nền tảng này đã mang lại hiệu quả mới, cơ hội tăng trưởng mới nhưng cũng đưa ra những thách thức mới.

Theo ông, vì các MSME tạo ra một số lượng lớn việc làm ở Việt Nam nên điều quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam và khả năng cạnh tranh tổng thể của Việt Nam là hỗ trợ việc áp dụng công nghệ của Chính phủ và các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.