Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Liệu có phải là một cách “kiếm ăn” trên các bệnh nhân F0 ?

Thiên An - 18:51, 25/09/2021

“Tất cả các bệnh nhân F0 chuyển về các tỉnh, thì tỉnh phải chịu trách nhiệm đưa xe lên đón hết 100%, hoặc là bệnh viện đưa xe chuyển về, chứ không có ai phải tự thuê xe ngoài. Vì bệnh nhân về, vẫn nằm trong đối tượng cách ly và tỉnh phải quản lý…”. Đó là khẳng định của TS. Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển. Thế nhưng, một số bệnh nhân F0 lại phản ánh rằng, sau khi điều trị khỏi bệnh, họ được xuất viện và được cán bộ y tế bệnh viện cho số của lái xe cứu thương ở ngoài để tự gọi. Lợi dụng thời gian giãn cách xã hội, di chuyển khó khăn, các lái xe đã ép bệnh nhân với giá “trên trời”, mà họ vẫn phải “cắn răng” chấp nhận, bởi không còn cách di chuyển nào khác!

Xe cứu thương dịch vụ có thu nhập cao trong thời gian giãn cách xã hội !?
Xe cứu thương dịch vụ có thu nhập cao trong thời gian giãn cách xã hội !?

Nỗi khổ F0!

Thời gian vừa qua, Báo Dân tộc và Phát triển nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc về tình trạng lái xe cứu thương lợi dụng tình hình dịch bệnh, đã ép giá tiền vận chuyển các bệnh nhân điều trị Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã và đang tìm hiểu sự việc để thông tin tới bạn đọc.

Huỳnh Thị Mai A., cô gái người dân tộc Mường, ở xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), là sinh viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam. Ngoài thời gian học và làm thêm để kiếm thu nhập, Mai A. còn tham gia Đội sinh viên tình nguyện, em cùng bạn bè hay đi đến những nơi đồng bào có hoàn cảnh khó khăn để tặng quà và giúp bà con tăng gia sản xuất. Bản thân gia đình Mai A. cũng còn khó khăn. Ba mẹ em làm nghề nông, sống ở xã đặc biệt khó khăn. Trong thời gian học tập tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, Mai A. còn được nhà trường hỗ trợ 70% tiền học phí.

Trong một lần đi làm , Huỳnh Thị Mai A. đã vô tình tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19 và em đã bị nhiễm bệnh. Em được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở 2, huyện Đông Anh (TP. Hà Nội).

Cũng bị nhiễm bệnh Covid-19 như Huỳnh Thị Mai A. nhưng lại trong một hoàn cảnh khác đó là anh Lê Phúc Bảo, SN 1996, quê ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Phúc Bảo đi làm công nhân tại tỉnh Bình Dương. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Bình Dương, vì quá lo sợ, ngày 31/7, Phúc Bảo đã 1 mình đi xe máy vượt 1.300km về quê. Về tới huyện Kỳ Anh, Bảo được đưa vào khu cách ly tập trung tại Trường Mầm non Kỳ Khang. Tại đây, Phúc Bảo đã bị lây nhiễm chéo bệnh Covid-19. Qua 9 ngày điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh, bệnh của Phúc Bảo diễn biến nặng hơn và anh đã được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để điều trị.

Sau hơn 30 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, thật may mắn cho Huỳnh Thị Mai A. và Lê Phúc Bảo là đều khỏi bệnh, với nhiều lần xét nghiệm có kết quả âm tính với Covid-19.

Ngày 3/9, Huỳnh Thị Mai A. và Lê Phúc Bảo nhận được tin vui là được xuất viện. Niềm vui chưa được bao lâu, thì cả 2 lại lo lắng, khi nhân viên hành chính của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cho biết, bây giờ bệnh viện không lo xe cho bệnh nhân nữa, mà 2 người phải tự lo phương tiện về quê. Nhưng với điều kiện, là phải đi bằng xe cứu thương, không được đi bằng phương tiện khác. 

Nói rồi, nhân viên hành chính đưa cho họ số điện thoại di động của lái xe cứu thương với lời dặn: “Đây là xe cứu thương dịch vụ ngoài, phải thỏa thuận trước giá cả, kẻo họ “chặt chém” nhé. Chúng tôi chỉ cho số điện thoại để liên hệ, còn về kinh tế và giá cả bệnh viện không liên quan”! 

Anh Lê Phúc Bảo cho biết, anh liên lạc theo số điện thoại được cung cấp, thì lái xe cứu thương “thách giá” 12 triệu 1 chuyến chở 2 người. Mai A. về Thanh Hóa và anh Bảo về Hà Tĩnh. Phát hoảng với con số 12 triệu đồng, bởi anh Bảo làm công nhân mấy tháng rồi không có việc. Còn Mai A, cô sinh viên dân tộc thiểu số, ở xã đặc biệt khó khăn thì làm gì có tiền. Nhưng biết làm gì bây giờ, khi đang trong thời gian giãn cách xã hội. Xuất viện rồi, không về nhà thì biết đi đâu. Anh Bảo năn nỉ mãi, cuối cùng lái xe quyết định chốt giá khoảng trên dưới 10 triệu đồng. Còn phụ thuộc vào km đường dài hay ngắn. Lái xe nói nếu quyết thì đi, không thì thôi vì xe cứu thương thời điểm này nhiều người gọi lắm. Anh lái xe còn nói vừa chở một bệnh nhân F0 từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 về ngay đầu TP. Hải Phòng mà cũng lấy 2,5 triệu đồng.

Cuối cùng, lái xe cứu thương chở Huỳnh Thị Mai A. về Thanh Hóa với giá 4 triệu đồng. Và tiếp tục cùng cung đường chở Lê Phúc Bảo về Hà Tĩnh lấy cước 6 triệu đồng. Thấy gia đình anh Bảo khó khăn quá, lái xe bớt cho 300.000 đồng.

Ông Huỳnh Văn Phương, bố của Mai A. cho biết: "Nhà xe ép giá cao quá, bình thường tôi thuê 1 xe 7 chỗ đi từ Thanh Hóa ra Hà Nội, cả đi và về người ta lấy có 1,3 triệu đồng. Đây một chuyến xe, ừ thì là xe cứu thương, nhưng chỉ có 2 bệnh nhân và 1 lái xe chứ có bác sĩ hay thiết bị y tế nào cùng đi hỗ trợ đâu mà lấy đắt thế. 10 triệu đồng/2 người. Lúc đầu con bé nhà tôi bảo bố chuẩn bị hơn 3 triệu đồng để trả tiền xe cho con, tôi vội đi vay hàng xóm, gom mãi mới được 4 triệu đồng. Khi con về tới nhà, anh lái xe bảo tôi phải trả 4 triệu đồng tiền xe. Tôi nói gia đình khó khăn quá mong anh bớt cho 1 - 2 trăm nghìn, nhưng lái xe không cho”.

Trong khi cả nước đang chung tay giúp đỡ những người không may nhiễm Covid-19, thì người lái chiếc xe cứu thương này lại ép giá vận chuyển bệnh nhân. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Trong khi cả nước đang chung tay giúp đỡ những người không may nhiễm Covid-19, thì người lái chiếc xe cứu thương này lại ép giá vận chuyển bệnh nhân. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thông đồng “kiếm ăn”?

Theo thông tin của người nhà các bệnh nhân F0 cung cấp, thì anh lái xe cứu thương tên là Bùi Chí Công, lái xe mang biển số 30E-6093x, số điện thoại: 097529198x.

Để xác minh thông tin, ngày 17/9, phóng viên Báo Dân tộc và Phát Triển đã liên lạc với lái xe cứu thương Bùi Chí Công. Lái xe Công cho biết, hằng ngày anh chở rất nhiều chuyến xe đưa bệnh nhân F0 về các địa phương. Lái xe Công cũng xác nhận, là có chở Huỳnh Thị Mai A. về Thanh Hóa và Lê Phúc Bảo về Hà Tĩnh. Giá cao vì là xe ưu tiên, lại trong thời gian giãn cách… lái xe Công cho biết thêm, anh chỉ là lái xe của Công ty Đất cảng có trụ sở tại TP. Hải Phòng. Công ty có liên thông, liên kết với các bệnh viện tại Hà Nội. Lái xe Bùi Chí Công nói sẽ gửi số điện thoại của công ty và địa chỉ văn phòng cho phóng viên trực tiếp liên hệ. Nhưng sau đó, phóng viên gọi điện và nhắn tin, lái xe Bùi Chí Công đều không trả lời (!?)

Ngày 22/9, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, TS. Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “100% các bệnh nhân F0 khi xuất viện trở về tỉnh, đều phải được tỉnh đưa xe lên đón, hoặc là xe của Bệnh viện đưa bệnh nhân về. Chứ không có chuyện bệnh nhân tự thuê xe về. Vì bệnh nhân thuộc các tỉnh chuyển lên và các F0 tỉnh phải quản lý…”.

Như vậy, nếu theo lời ông Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thì việc nhân viên hành chính của Khoa Nội tổng hợp và của bệnh viện thông báo với bệnh nhân là, bệnh viện không có xe đưa bệnh nhân về địa phương… và tự ý “dí” vào tay các bệnh nhân số điện thoại của lái xe cứu thương dịch vụ bên ngoài, là sự việc cần phải xem xét,  làm rõ trách nhiệm và có biên pháp chấn chỉnh.

Câu hỏi đặt ra là, có hay không sự thông đồng giữa nhân viên của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với lái xe cứu thương dịch vụ, nhằm “chặt chém” các bệnh nhân F0 trong thời gian dịch bệnh và giãn cách xã hội? Một số tỉnh, thành có quản lý bệnh nhân F0 lỏng lẻo? Và đơn vị nào sẽ hoàn trả số tiền mà các bệnh nhân F0 đã chi cho lái xe cứu thương…?

Câu hỏi này, Báo Dân tộc và Phát triển xin chuyển tới ông Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và các cơ quan chức năng, để xác minh làm rõ trả lời bạn đọc.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.