Điển hình như mặt hàng khẩu trang, giá bán được đẩy lên gấp 5 - 7 lần ngày thường nhưng vẫn trong tình trạng “cháy hàng”. Cao điểm có lúc giá khẩu trang được các hiệu thuốc bán với giá 50 ngàn đồng/50 chiếc, nhưng vào những ngày dịch được bán với giá ưu đãi 10 ngàn đồng/chiếc, bởi “khan” hàng.
Tại chợ thuốc Hapulico, chợ thuốc lớn nhất Hà Nội, cũng diễn ra tình trạng tương tự. Sau khi bị Cục Quản lý thị trường xử phạt vì bán khẩu trang tăng giá, từ ngày 3/2, nhiều cửa hàng đã đồng loạt treo biển “không có khẩu trang, nước rửa tay miễn hỏi” tại quầy. Nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra kho của các cửa hàng này, thì các sản phẩm trên vẫn có tại kho.
Khó khăn cho người dân càng tăng lên, khi nhu cầu mua ngày một gia tăng nhưng không được đáp ứng. Chị Hoàng Thị Mai Anh, sống tại đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều ngày nay tôi tìm mua khẩu trang đều không được. Đến các hiệu thuốc, cửa hàng đại lý và ngay cả chợ thuốc lớn nhất Hà Nội cũng không có hàng để mua. Tìm qua một số trang mạng xã hội đều thấy rao bán với giá lên đến gần 300 nghìn đồng/hộp”.
Thực trạng thi nhau tăng giá còn diễn ra ở nhiều mặt hàng khác như: Găng tay y tế, thuốc tăng cường sức đề kháng và thậm chí đến thực phẩm dùng trong tiêu dùng hàng ngày cũng dần đội giá lên cao. Dễ nhận thấy, hễ chỉ cần là sản phẩm liên quan đến phòng chống dịch là các gian thương sẵn sàng tăng giá.
Trước thực trạng khan hiếm hàng hóa đó, nhiều hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất đã tự ý sản xuất nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn theo công thức được cung cấp trên mạng, dán tem, nhãn mác các cơ sở y tế lớn để bán ra thị trường nhằm trục lợi bất chính. Điển hình như trường hợp cơ sở sản xuất của bà Quách Thị Hà Vân, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Cơ sở do bà Vân vận hành đã pha chế nước sát khuẩn, nước rửa tay khô từ cồn 90 độ và nước theo công thức trên mạng, sau đó đóng chai, dán mác và bán ra thị trường. Liên quan đến sự việc này, bà Vân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự hiện hành.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết ngày 7/2 đã có đến 3.000 vụ việc bị kiểm tra và tiến hành xử phạt với những hành vi mang tính vụ lợi, đầu cơ nêu trên. Có thể thấy đạo đức, lương tâm của một số bộ phận người dân lại dễ dàng xuống cấp đến vậy. Kinh doanh, trục lợi trên nỗi đau, khó khăn của xã hội, trước sinh mạng của người khác là hành vi thiếu đạo đức và cần được lên án, xử lý nghiêm để răn đe, tránh có thêm nhiều gian thương trong thời gian tới.
Bên cạnh những hành vi phản cảm nêu trên, ở nhiều nơi vẫn xuất hiện những tấm lòng vàng, tự bỏ tiền túi mua hàng ngàn chai dung dịch để sát khuẩn, khẩu trang tặng cho người dân... Thiết nghĩ trong thời điểm này, người dân cả nước hãy chung tay, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, tương thân tương ái, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, đừng vì một số lợi ích nhỏ trước mắt mà bỏ qua sức khỏe, sinh mạng của cộng đồng.
Hiện có 38 công ty sản xuất khẩu trang 24/24 với số lượng 3 triệu chiếc mỗi ngày, đáp ứng đủ số lượng hàng cung cấp cho người dân. Đồng thời, các công ty này đã có các sản phẩm khẩu trang tuyệt trùng bằng vải để thay thế khẩu trang y tế. Với loại khẩu trang vải, cách sử dụng tốt nhất là giặt, thay hàng ngày.