Mặc dù chuyển đổi số trong lĩnh vực công tác dân tộc còn gặp nhiều khó khăn do đối tượng, địa bàn triển khai đặc thù, nhưng UBDT đã xây dựng lộ trình chuyển đổi số với nhiều giải pháp đồng bộ thể hiện quyết tâm cao của những người làm công tác dân tộc.
Theo đó, ngày 5/10/2021, UBDT đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số do Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh làm Trưởng ban. Theo đó, tiến hành xây dựng kế hoạch chuyển đổi số hằng năm; triển khai các văn bản của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số quốc gia; chỉ đạo các vụ, đơn vị tích cực ứng dụng CTNT làm tiền đề để thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong thời gian tới. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về sử dụng các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, chuyên môn, nghiệp vụ…
Bên cạnh đó, UBDT tập trung triển khai xây dựng Đề án Chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong quản lý, tổ chức, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Xây dựng cơ sở hạ tầng và phần mềm quản lý tài liệu lưu trữ của UBDT; Cổng dịch công và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của UBDT; Xây dựng kho dữ liệu và hệ thống khai thác thông tin thống kê công tác dân tộc và dữ liệu thống kê 53 DTTS; Triển khai Xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử của UBDT phiên bản 2.0…
Năm 2023, UBDT đặt mục tiêu: 80% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử được hoàn thành, kết nối và chia sẻ toàn quốc; Hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được cập nhật và lưu trữ trên hệ thống lưu trữ điện tử; 70% các ứng dụng được triển khai chữ ký số; Hoàn thành đầu tư cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin báo cáo của UBDT...
Cùng với đó, UBDT sẽ phát triển hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ (LGSP) kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sử dữ liệu trong nội bộ bộ và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia theo Khung Kiến trúc để trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan bên ngoài; Nghiên cứu, xây dựng hạ tầng điện toán đám mây phù hợp nhu cầu chuyển đổi số và nguồn lực chung; Đầu tư hệ thống thông tin báo cáo, đánh giá, giám sát phục vụ trung tâm điều hành Chương trình MTQG…
Đặc biệt, Đề án Chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong quản lý, tổ chức, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia được xây dựng nhằm mục tiêu triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số, qua đó đổi mới và tăng cường hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá, nâng cao năng lực và truyền thông Chương trình.
"Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số trong quản lý, thực hiện Chương trình MTQG là đến đúng đối tượng, kịp thời, nhanh chóng, chính xác, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình, vì lợi ích của đồng bào DTTS", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số UBDT nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, quá trình chuyển đổi số dù rất khó khăn nhưng nếu có nhận thức đúng, hành động đúng và quyết tâm cao, có sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, người dân thì sẽ thành công.
Tuy nhiên, hiện nay, việc tiếp cận, phát triển công nghệ số trên toàn quốc nói chung và tại khu vực vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ về chuyển đổi số còn hạn chế, chưa thể hiện rõ quyết tâm, trách nhiệm chính trị trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện ứng dụng CNTT tạo nền tảng cho chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, với đặc thù của vùng đồng bào DTTS, thì việc ứng dụng công nghệ thông tin đòi hỏi quyết tâm rất cao của hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc cũng như sự phối hợp của người dân. Theo như ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã từng nhấn mạnh: "Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về tư duy, thể chế, chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ”.
Hiện nay, chúng ta đang triển khai Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, do vậy, ngành công tác dân tộc cũng đã xác định, việc tập trung thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực công tác, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để thực thi và đưa các chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân vùng DTTS và miền núi một cách thiết thực, hiệu quả nhất.