Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đoàn công tác UBDT kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG tại tỉnh Quảng Ngãi

Thanh Huyền - Lê Phương - 20:25, 20/04/2023

Ngày 20/4, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc (UBDT) do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi về kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Tham gia Đoàn công tác có thành viên Tổ Công tác của các bộ, ngành liên quan; lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc UBDT. Về phía tỉnh Quảng Ngãi, tham gia buổi làm việc với Đoàn, có ông Võ Phiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ngãi, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có 6 xã, thuộc 5 huyện miền núi và các huyện đồng bằng gồm: Bình Sơn, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành. Trong đó có 6 xã khu vực I; 3 xã khu vực II và 52 xã khu vực III; 241 thôn đặc biệt khó khăn. Kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh những năm qua có bước phát triển mạnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Cụ thể: Nông nghiệp chiếm 33,47%, công nghiệp - xây dựng chiếm 42,56%; dịch vụ 23,97%. Dần hình thành vùng sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa; kết cấu hạ tầng đang được xây dựng hoàn thiện, phục vụ tốt cho đời sống của người dân.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được kỳ vọng là chương trình tổng lực giúp thay đổi bộ mặt và nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào DTTS và miền núi. Tại Quảng Ngãi, tổng mức kinh phí để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 3.565 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 2.370 tỷ đồng, ngân sách địa phương 355 tỷ đồng, vốn vay tín dụng chính sách là 623 tỷ đồng. Còn lại là nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Tại buổi làm việc, đại diện các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Hiện nay, việc triển khai các dự án còn nhiều khó khăn. Đó là chưa có quy định cơ chế đặc thù trong thực hiện vốn đầu tư phát triển hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng. Chưa có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai một số tiểu dự án trong Chương trình MTQG, dẫn đến tình trạng nơi cần thì không có vốn, còn nơi có vốn thì không thể giải ngân được, vì thiếu hướng dẫn cụ thể.

Ngoài ra, các địa phương cũng có ý kiến cần ban hành các văn bản quy định hình thức cho vay, định mức, thời gian và lãi suất cho vay đối với nội dung hỗ trợ cho các hộ đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. UBDT sớm ban hành tài liệu bồi dưỡng kiến thức dân tộc hoặc có văn bản giao cho địa phương chủ động biên soạn triển khai thực hiện.

Ông Võ Phiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại buổi làm việc
Ông Võ Phiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại buổi làm việc

Để bảo đảm tiến độ và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương trong quá trình triển khai các Chương trình MTQG, tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét bỏ quy định bắt buộc việc thực hiện các dự án đặc thù thuộc các Chương trình MTQG, tùy thuộc vào điều kiện thực tế của các địa phương để triển khai thực hiện bảo đảm chủ động, linh hoạt và đạt hiệu quả cao trong việc triển khai thực hiện Chương trình.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi có ý kiến về việc thực hiện chính sách giáo dục cho con em đồng bào DTTS. Đề nghị cần có quy định cụ thể về việc các em học sinh người DTTS được cho đi học dự bị đại học, sau đó học đại học, nhưng sau khi ra trường rất khó bố trí công việc tại các địa phương.

Tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị các bộ, ngành liên quan tham mưu tháo gỡ khó khăn một số nội dung như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ thông báo kế hoạch vốn sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, cho các địa phương để chủ động trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung của Chương trình. Đối với Bộ Y tế, tỉnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung nội dung “Hỗ trợ kinh phí đầu tư, cải tạo xây dựng cơ sở chế biến dược liệu quý để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện nước, nhà xưởng và mua trang thiết bị trong hàng rào dự án” vào Quyết định 1719/QĐ-TTg và Thông tư số10/2022/TT-BYT thực hiện.

Đối với UBDT, tại nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg chỉ quy định hỗ trợ nguyên liệu, giống cây, con, vật tư kỹ thuật, không quy định hỗ trợ máy móc, thiết bị, dụng cụ sản xuất, nên rất khó triển khai. Đề nghị bổ sung nội dung trên vào Quyết định 1719.

Ngoài ra, kiến nghị Trung ương, các bộ, ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG liên quan đến các văn bản hướng dẫn, định mức, giao vốn và vướng mắc cụ thể tại từng Dự án/Tiểu dự án...

Đại diện các sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Quảng Ngãi tham gia ý kiến tại buổi làm việc
Đại diện các sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Quảng Ngãi tham gia ý kiến tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Võ Phiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi lời cảm ơn Đoàn công tác Trung ương đã chọn tỉnh Quảng Ngãi để kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG. Nguồn lực của Trung ương triển khai Chương trình MTQG có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tác động to lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Vì vậy, tỉnh sẽ triển khai quyết liệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với từng cá nhân, đơn vị; phân cấp tối đa; tăng cường kiểm tra, giám sát... bảo đảm nguồn vốn phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh quảng Ngãi trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG và cho rằng, tỉnh đã có chủ động, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tỉnh đã thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đề nghị, tỉnh phải có quyết tâm cao, phát huy vai trò, sự tham gia, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường của người dân; tăng cường tuyên truyền vận động, tạo đồng thuận trong Nhân đân; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính dân chủ; tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm hay, bài học quý, nhân rộng điển hình; rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp lý, kịp thời phát hiện những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; thực hiện tốt quy chế phối hợp.

Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội phát biểu tại buổi làm việc
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội phát biểu tại buổi làm việc

Về những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đề nghị các đơn vị chức năng tiếp thu, tổng hợp đầy đủ.

"Chương trình đóng vai trò rất quan trọng đối với vùng đồng bào DTTS của cả nước. Tuy nhiên, với đặc thù là một Chương trình MTQG mới, được triển khai trên một địa bàn rộng, tập trung vào nhóm đối tượng đặc thù là đồng bào DTTS đang sinh sống trên địa bàn có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, địa hình phức tạp và bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung, sinh kế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhu cầu nguồn lực đầu tư lớn trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế như hiện nay. Vì thế, các địa phương căn cứ văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các văn bản theo thẩm quyền, để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG bảo đảm quy định, đáp ứng các mục tiêu đề ra”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.