Giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Nghệ An hơn 4.931 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình MTQG gồm: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; giảm nghèo bền vững.
So với nhiều địa phương khác, Nghệ An là tỉnh có số lượng dự án và đối tượng thụ hưởng lớn. Theo đó, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai 10 dự án và 14 tiểu dự án, 8 sở, ngành và 12 huyện, thị xã được giao chủ trì, quản lý, tổ chức thực hiện.
Riêng mức đầu tư cho Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG DTTS và miền núi) giai đoạn 2021-2025 là hơn 2.632 tỷ đồng. Phạm vi triển khai Chương trình trên địa bàn 131 xã và 588 thôn đặc biệt khó khăn. Với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững triển khai 2 dự án thành phần, với 48 dự án chi tiết. Còn Chương trình MTQG xây dựng NTM triển khai tại 411 xã, với 988 dự án chi tiết.
Trong năm 2022, Nghệ An được phân bổ hơn 1.295 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình MTQG cho 977 dự án; trong đó, có hơn 150 dự án trả nợ và chuyển tiếp, 785 dự án khởi công mới có tổng mức đầu tư dự kiến dưới 15 tỷ đồng.
Là một trong những địa phương có khối lượng thực hiện các Chương trình MTQG lớn, nhưng tiến độ thực hiện cũng như tỷ lệ vốn giải ngân ở huyện Tương Dương còn thấp. Theo đó, đối với Chương trình MTQG DTTS và miền núi, năm 2022, nguồn ngân sách Trung ương giao cho huyện hơn 142 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ được hơn 98 tỷ đồng, đạt gần 70% kế hoạch vốn được giao.
Tuy nhiên, đến hết tháng 2/2023, huyện vẫn chưa giải ngân được do các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Năm 2023, nguồn ngân sách Trung ương giao cho huyện là hơn 151 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng 1 dự án khởi công mới thuộc cấp huyện phê duyệt; 38 dự án chuyển tiếp; hỗ trợ nhà ở. Đến ngày 31/12/2022, UBND tỉnh đã bố trí gần 70 tỷ đồng, đạt hơn 46% kế hoạch vốn được giao; tuy nhiên đến tháng 2/2023 vẫn chưa giải ngân được đồng vốn nào.
Còn với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, từ năm 2021 đến tháng 3/2023, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ cho huyện hơn 73 tỷ đồng. Đến ngày 10/3/2023, huyện đã giải ngân 693 triệu đồng. Phần lớn, các dự án, tiểu dự án đang trong quá trình chuẩn bị triển khai, chưa xác định được khối lượng cụ thể, dẫn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ không đạt tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Một lãnh đạo huyện Tương Dương cho biết: Ngoài những vướng mắc chung của tỉnh ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn 2 Chương trình MTQG: DTTS và miền núi và giảm nghèo bền vững chậm; thì còn do thiếu cán bộ triển khai thực hiện. Cụ thể, Ban quản lý dự án huyện thiếu nhân sự quản lý và cán bộ kỹ thuật; phòng Tài chính – Kế hoạch là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm tham mưu tổng hợp chính, cũng đang thiếu chuyên viên bộ phận kế hoạch đầu tư.
Tại cuộc làm việc với 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông (giữa tháng 3) về thực hiện các Chương trình MTQG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cũng đã nêu rõ: tiến độ thực hiện và tỷ lệ giải ngân của địa phương thấp so với kế hoạch; phần lớn các dự án, tiểu dự án đang trong quá trình chuẩn bị triển khai, chưa xác định được khối lượng cụ thể, một số dự án chưa hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư.
Tiếp tục “gỡ khó” để đẩy nhanh tiến độ
Rõ ràng, tiến độ chậm, tỷ lệ giải ngân thấp đang tác động lớn đến kế hoạch chung của niên độ 2021-2025. Xác định rõ vướng mắc, khó khăn hiện nay; huy động cao độ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các ban ngành; “xốc” lại trách nhiệm, nhiệm vụ của các bộ phân liên quan… đang là những giải pháp, biện pháp mà tỉnh Nghệ An thực hiện để đẩy nhanh tiến độ.
Tinh thần này, trong thời gian làm việc thực tế với các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông về tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cũng đã đã yêu cầu các địa phương có giải pháp chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình.
Các địa phương cần kiện toàn lại bộ máy các phòng ban để làm tốt hơn công tác tham mưu, gắn với kích hoạt và phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo theo từng địa bàn, từng dự án cụ thể.
Bên cạnh đó, rà soát chi tiết từng dự án, tiểu dự án thành phần để nhận diện khó khăn, vướng mắc ở đâu, để có hướng giải quyết sát đúng. Ngoài việc đốc thúc các dự án đã có hướng dẫn cụ thể thì cần rà soát các dự án sinh kế, giảm nghèo bền vững để nhân rộng các mô hình phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, cần sớm đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quyết định phê duyệt dự án, để giao kế hoạch vốn các năm 2022 và 2023 đối với những dự án còn lại.