Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Khuyến nông với đồng bào DTTS

Chuyển đổi mô hình trồng trọt giúp bà con DTTS ở Ia Pa thoát nghèo

Hà Anh - 21:20, 28/08/2023

Huyện Ia Pa là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai. Toàn huyện có 9 xã, trong đó 7 xã đặc biệt khó khăn và hơn 70% dân số là đồng bào DTTS. Đời sống, sản xuất của bà con trong huyện phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên, đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả.

Người dân Ia Pa thu hoạch lúa vụ mùa 2023 bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: L.N
Người dân Ia Pa thu hoạch lúa vụ mùa 2023 bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: L.N

Ia Pa là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương cũng như thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, thời gian qua, huyện Ia Pa đã tập trung hướng dẫn người dân chuyển đổi mô hình trồng trọt, đưa các loại giống có năng suất cao vào sản xuất, để từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân.

Đời sống người dân nơi đây vẫn gắn liền với nông nghiệp và lối canh tác cũ, huyện Ia Pa đã triển khai Dự án hỗ trợ giống lúa mới và hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ khoa khọc công nghệ để nâng cao sản lượng, chất lượng nhằm xây dựng được thương hiệu gạo cho địa phương.

Trong vụ Đông - Xuân 2022-2023 và vụ mùa 2023, huyện Ia Pa đã triển khai Dự án tại 9 xã với diện tích 2.090ha với 4.068/5.051 hộ dân tham gia là đồng bào DTTS. Nguồn vốn cho Dự án này là hơn 5,05 tỷ đồng. Tham gia Dự án, các xã ở vùng I được hỗ trợ 70% lúa giống Đài Thơm 8, TBR97, ĐT100 và BC15. Còn các xã ở vùng II, III sẽ được hỗ trợ 100%. Bên cạnh đó, các hộ dân được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tham gia các lớp huấn luyện chuyển giao khoa học kỹ thuật để thực hành trong quá trình sản xuất.

Ông Rơ Mah Do, thôn Ama Rin 1, xã Ia Ma Rơn là một trong những hộ dân tham gia dự án trồng lúa quy mô lớn cho biết, gia đình nhận được 49 kg lúa giống TBR97 cho 7 sào. Đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn và phù hợp với khí hậu, đất đai ở địa phương hơn nữa kháng bệnh tốt và cho chất lượng gạo dẻo, thơm ngon. Áp dụng các kỹ thuật vào sản xuất, giống lúa TBR97 dự kiến cho thu hoạch trên 7tạ/sào (cao hơn 1- 1,5 tạ/sào so với các giống lúa cũ).

Mô hình trồng bắp sinh khối 1.000 ha tại huyện Ia Pa giúp bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo. Ảnh: Vũ Chi
Mô hình trồng bắp sinh khối 1.000 ha tại huyện Ia Pa giúp bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo. Ảnh: Vũ Chi

Dự án không chỉ giúp bà con có cơ hội tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất trồng lúa mà còn giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Không chỉ hướng dẫn người dân trồng các giống lúa mới diện tích lớn, địa phương còn tư vấn cho người dân chuyển sang các loại cây trồng năng suất và hiệu quả hơn. Như ở xã Ia Ma Rơn, người dân đã chuyển đổi khoảng 133ha đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây như khoai lang, thuốc lá, dưa hấu. Những năm trước, người dân ở Ia Ma Rơn trồng một năm 2 vụ lúa nhưng kém hiệu quả, thu nhập bấp bênh. Từ khi được tiếp cận với giống khoai lang Nhật Bản, nhiều gia đình đã trồng thử nghiệm cho năng suất gần 3 tấn/sào và được thu mua với giá 8.000 đoòng/kg đem đến thu nhập cao gấp 3 lần so với trồng lúa trước kia.

Còn gia đình bà Nay H’Moan, xã Ia Tul vì trồng mì thường gặp sâu bệnh nên được hướng dẫn chuyển đổi sang trồng cây thuốc lá theo tư vấn của chính quyền địa phương. Nhờ được hướng dẫn cách chăm sóc bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, cây thuốc lá của gia đình sinh trưởng tốt, năng suất đạt 3 tấn/ha và được thương lái thu mua với giá 50.000đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với trồng mì.

Cũng vì thời gian gần đây việc trồng lúa, mì gặp khó khăn do sâu bệnh và giá cả không ổn định, nhiều người dân ở xã Pờ Tó cũng đã được địa phương tư vấn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.

Người dân xã Pờ Tó chuyển đổi diện tích trồng mì, mía sang trồng cây ăn quả. Ảnh Vũ Chi
Người dân xã Pờ Tó chuyển đổi diện tích trồng mì, mía sang trồng cây ăn quả. Ảnh Vũ Chi

Như gia đình ông Nguyễn Văn Nhỏ đã chuyển đổi toàn bộ 3ha trồng mì sang trồng chanh tứ quý, mít, bưởi da xanh và xoài Đài Loan. Ông được tư vấn trồng nhiều loại cây để nhằm lấy ngắn nuôi dài và không bị phụ thuộc vào một loại cây nếu giá cả thị trường có đi xuống cũng không lo. Như 3.000 cây chanh tứ quý có thể cho thu hoạch sau 8 tháng trồng, còn các loại cây như bưởi, xoài, mít thì cần 4-5 năm mới có thể cho thu hoạch. Nhờ chuyển đổi mô hình trồng trọt, ông Nhỏ có thêm vốn để chăn nuôi thêm heo, vừa cung cấp phân bón hữu cơ cho cây trồng vừa đem lại thêm nguồn thu trong lúc các loại cây ăn quả lâu năm như mít, bưởi, xoài chưa thể cho thu hoạch.

Đến nay, huyện Ia Pa có 1.000ha trồng cây ăn quả như: bưởi, dừa, xoài, mãng cầu… Trong đó có khoảng 200ha được trồng với quy mô lớn từ 1,5ha - 5ha.

Bên cạnh việc thay đổi cơ cấu cây trồng, huyện Ia Pa cũng từng bước chuyển đổi ngành chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung. Toàn huyện hiện có 4 trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô từ 4.800 – 20.000 con heo/năm.

Thời gian tới, để nâng cao thu nhập cũng như nâng cao đời sống cho người dân địa phương, huyện Ia Pa sẽ tập trung đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản địa phương. Bên cạnh đó tăng cường kêu gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết sản xuất nhằm hình thành vùng chuyên canh sản xuất cây ăn trái, rau… mang lại hiệu quả bền vững.