Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Chương trình hạnh phúc” góp phần thay đổi đời sống người dân ở vùng cao Lào Cai

Trọng Bảo - 08:29, 05/01/2022

Với mục tiêu “Chung tay xây dựng một Lào Cai hạnh phúc, đất nước Việt Nam tươi đẹp", Chương trình Hạnh phúc do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ , đã góp phần tích cực trong hỗ trợ các địa phương khó khăn của tỉnh Lào Cai. Dự án góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhất là chương trình giảm nghèo bền vững và cải thiện cơ sở hạ tầng ở nhiều huyện vùng cao.

Nhờ những tuyến đường được bê tông hóa mà đường đến trường con em đồng bào các dân tộc đã đỡ vất vả hơn
Nhờ những tuyến đường được bê tông hóa mà đường đến trường của con em đồng bào các dân tộc đã đỡ vất vả hơn

Trước đây, gia đình ông Lìu Seo Áo ở xã Quan Hồ Thẩn, thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2016, gia đình ông được Chương trình Hạnh phúc hỗ trợ 1 con trâu. Với người dân vùng cao còn nhiều khó khăn như ông Áo, đây là tài sản rất lớn, giúp gia đình ông có điểm tựa để sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.

“Gia đình được hỗ trợ một con trâu sinh sản, đến thời điểm này trâu đã đẻ được 2 con, gia đình bán đi, tính ra cũng được gần 70 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình cũng có tiền đầu tư cho chăn nuôi gà, vịt… Bây giờ thì đã thoát nghèo rồi, chỉ tập trung làm ăn phát triển kinh tế cho khá hơn thôi”, ông Áo cho biết.

Gia đình ông Áo là một trong hàng chục hộ nghèo trên địa bàn xã, được hỗ trợ sinh kế từ nguồn vốn Chương trình Hạnh phúc. Bên cạnh việc hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, Chương trình cũng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn. Nhờ được bê tông hóa, giúp cho việc đi lại của bà con tại các thôn bản xa xôi nay đã thuận tiện hơn. Đây là cơ sở để giúp người dân miền núi có điều kiện phát triển toàn diện mọi mặt kinh tế, văn hoá, dịch vụ xã hội.

“Trước đây, khi còn đường đất, những ngày mưa gió, nhìn các em tới trường lấm lem bùn đất mà thương quá. Từ khi tuyến đường thôn bản được bê tông hóa, các em học sinh đi học đã vất vả hơn nhiều. Nhờ đó, tỉ lệ chuyên cần của trường cũng được nâng cao, chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên qua từng năm”, thầy giáo Ngải Seo Lao, điểm Trường Chu Liền Chải, xã Quan Hồ Thẩn chia sẻ.

Bà con nông dân xã Quan Hồ Thẩn trồng lê tai nung cho giá trị kinh tế cao
Bà con nông dân xã Quan Hồ Thẩn trồng lê tai nung cho giá trị kinh tế cao

Từ các tiểu dự án của Chương trình Hạnh phúc được đầu tư, hỗ trợ đang góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao. Trong đó, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của bà con vùng cao đã được nâng lên, tư duy sản xuất từng bước được thay đổi.

“Thời gian qua, nhận thức của bà con trong xã đã thay đổi rất nhiều trong sản xuất, trong sinh hoạt. Bên cạnh đó, bà con có cơ hội tiếp cận kiến thức để phát triển sản xuất, trong đó nhiều hộ dân đã có thu nhập từ việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế do Chương trình mang lại…”, ông Giàng Seo Châu, Bí thư Đảng ủy xã Quan Hồ Thẩn nhấn mạnh.

Chương trình Hạnh phúc được thực hiện trên địa bàn 28 xã, thuộc 4 huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai và Sa Pa, với tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng, cho 3 hợp phần chính là phát triển cộng đồng; nâng cao năng lực; quản lý dự án, hỗ trợ kỹ thuật, giám sát đánh giá. Sau 2 năm thực hiện, Chương trình đã đầu tư hơn 300 km đường giao thông nông thôn; xây dựng 3 công trình nhà ký túc xá; 8 làng thí điểm. Chương trình cũng mở nhiều lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ cơ sở và người dân.

“Dự án Chương trình Hạnh phúc của KOICA đã hỗ trợ rất thiết thực và hiệu quả, đem lại những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng, giao thông nông thôn và hỗ trợ sinh kế trên địa bàn các xã. Đặc biệt, với một huyện nghèo như Si Ma Cai thì nguồn lực từ Chương trình đã góp phần tích cực trong phòng trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện”, ông Hoàng Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai cho biết thêm.

Chương trình Hạnh phúc đã tạo luồng sinh khí mới, giúp các địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh Lào Cai sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Hơn nữa, các chương trình, dự án thành công, còn là biểu tượng, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện, bền vững giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc./.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.