Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lào Cai: Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia

Trọng Bảo - 15:56, 02/12/2021

Tỉnh Lào Cai có gần 70% đồng bào DTTS sinh sống. Xác định việc triển khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, theo tinh thần Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2020/QH14, là nguồn lực quan trọng để các địa phương vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế-xã hội nên tỉnh đã tập trung các giải pháp, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bắt tay ngay vào triển khai, với mục tiêu phát huy hiệu quả cao nhất nguồn lực đầu tư.

Trong lĩnh vực hỗ trợ sản xuất, tỉnh Lào Cai chủ trương sẽ phát triển theo chuối giá trị
Trong lĩnh vực hỗ trợ sản xuất, tỉnh Lào Cai chủ trương sẽ phát triển theo chuỗi giá trị

Xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát là xã khu vực III (KVIII) với 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Theo văn bản số 4021/UBND-TH của UBND tỉnh Lào Cai ngày 24/08/2021 về việc thống nhất giao danh mục chuẩn bị đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu theo Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, xã Phìn Ngan được khái toán nhu cầu phân bổ vốn gần 5 tỷ đồng, với 3 công trình đường giao thông nông thôn. Cụ thể, gồm các tuyến đường thôn Van Hồ; tuyến đường Lò Suối Tủng-Láo Vàng và tuyến đường Trung Trải-cầu treo Tủi Mần.

 Ông Vàng Láo Lở, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, bộ mặt kinh tế - xã hội của xã đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, về tổng thể thì Phìn Ngan vẫn là xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), với tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 40%.

“Khi hay tin được phân bổ kinh phí triển khai làm 3 tuyến đường với tổng chiều dài gần 5km, bà con rất phấn khởi, ngày đêm mong mỏi công trình sớm được triển khai. Đây đều là những thôn bản rất khó khăn, nhất là vấn đề giao thông đi lại. Nếu các tuyến đường này được thi công sẽ góp phần lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển cho các thôn bản”, ông Lở chia sẻ.

Huyện Bát Xát hiện còn 12 xã KVIII và 12 thôn bản ĐBKK. Địa bàn rộng, mặt bằng phát triển giữa các xã vùng thấp với vùng cao, có sự chênh lệch rõ rệt. Hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 39,8 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn gần 12%. 

Bà Sùng Hồng Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết: Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh về việc chuẩn bị triển khai thực hiện các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo và phân công, phân nhiệm cụ thể từng phòng, ban, các thành viên. Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu về chủ trương, chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 88. Qua rà soát, tổng nhu cầu vốn toàn huyện Bát Xát cho Chương trình khoảng 1.352 tỷ đồng.

“Chúng tôi đang đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo thành lập một Ban Chỉ đạo cấp huyện cho cả 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, đó là xây dựng Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban và các phó chủ tịch UBND làm phó ban phụ trách theo từng lĩnh vực. Như vậy sẽ rất thuận lợi trong công tác chỉ đạo và triển khai các chương trình”, bà Mai cho biết thêm.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ góp phần củng cố hệ thống giao thông nông thôn của tỉnh Lào Cai
Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn của tỉnh Lào Cai

Tỉnh Lào Cai cũng đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo từ cấp tỉnh, huyện, xã và được gọi chung là “Ban chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030”.  Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết: Ưu tiên của tỉnh Lào Cai trong triển khai Chương trình,  là đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn và cơ sở vật chất cho giáo dục. Riêng đối với lĩnh vực hỗ trợ sản xuất, bên cạnh việc đầu tư sinh kế cho một số hộ nghèo theo nhu cầu, thì tỉnh Lào Cai chủ trương sẽ đầu tư theo chuỗi sản xuất.

“Tỉnh sẽ kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nông lâm nghiệp theo chuỗi sản xuất. Doanh nghiệp sẽ bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản phẩm; có như vậy, sản xuất nông nghiệp mới bền vững và phát huy hiện quả, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân”, ông Bảo thông tin.

Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 70 xã khu vực III, 130 thôn ĐBKK. Toàn tỉnh có 138 xã, phường, thị trấn có 15% DTTS sinh sống trở lên. Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Với mục tiêu thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững vùng DTTS và miền núi, cải thiện đời sống cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK. 

Là tỉnh vùng cao biên giới được thụ hưởng chương trình đầu tư này, tỉnh Lào Cai đã và đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể thực hiện các dự án ngay sau khi được phân bổ vốn.


Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.