Trước khi dịch bệnh bùng phát, anh Tẩn Seo Đài ở thôn Pù Chù Ván, xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà (Lào Cai), làm việc cho một doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương. Dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp ngừng hoạt động, anh Đài cùng hàng trăm lao động mất việc làm. Trở về quê với bao khó khăn bộn bề do thiếu vốn sản xuất..., anh Đài được cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi, trồng trọt.
“Gia đình được Nhà nước hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, gia đình tôi đã mua được 1 con trâu sinh sản, vừa lấy sức cày kéo; trồng được gần 2.000 m2 cây dược liệu cát cánh”, anh Đài cho biết.
Tại xã vùng cao A Lù, huyện Bát Xát (Lào Cai), theo thống kê, có 176 lao động trở về từ vùng dịch. Trước đây, anh Thào A Súa ở thôn Séo Phìn Chư làm bốc vác ở Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Dịch bệnh bùng phát, hàng hóa xuất nhập khẩu giảm mạnh, nhiều lao động tự do tại cửa khẩu như anh, phải quay về địa phương.
“Khi trở về, tôi được bố trí tham gia lớp học nghề xây dựng vào đầu tháng 10/2021, do Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề của huyện tổ chức. Cả lớp có 35 người, thì có đến hơn một nửa là anh em lao động trở về từ các vùng dịch. Chỉ mong muốn sau khi học xong sẽ có công việc ổn định để có thu nhập, ổn định cuộc sống”, anh Súa tâm sự.
Huyện Bát Xát xác định, để giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho những người hồi hương, cách tốt nhất, nhanh nhất, bền vững nhất vẫn là tạo “cần câu” cho họ ngay tại quê nhà.
Bà Sùng Hồng Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết: Huyện đang tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tổ chức các phiên giao dịch việc làm để người lao động có cơ hội tìm việc làm ngay trên địa bàn huyện, trong tỉnh. Cùng với đó, sẽ tăng cường mở các lớp đào tạo nghề, trong đó quan tâm đến người người lao động từ vùng dịch trở về địa phương. Bởi vì, phải có tay nghề thì người lao động mới có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tại các công ty, doanh nghiệp, các hợp tác xã.
“Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các xã, tăng cường rà soát nhu cầu vay vốn của các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, các gia đình có lao động từ vùng dịch trở về, để từ đó có căn cứ bố trí nguồn vốn vay, tạo việc làm cho bà con ngay tại quê hương mình”, bà Mai nhấn mạnh.
Theo thống kê, hiện trên địa bản tỉnh Lào Cai vẫn còn gần 3.000 lao động trở về từ vùng dịch chưa có việc làm hoặc thiếu việc làm cần ưu tiên giúp họ ổn định cuộc sống. Theo ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, Sở đã báo cáo với tỉnh xây dựng phương án điều tra, khảo sát toàn bộ lao động từ vùng dịch trở về, trên cơ sở đó phân loại ai có nhu cầu tìm việc làm tại chỗ, ai có nhu cầu học nghề để tìm kiếm việc làm mới. Từ đó, sẽ tiếp tục mở các lớp học nghề cũng như bố trí hỗ trợ bà con vay vốn phát triển sản xuất. Tỉnh phấn đấu, năm 2022, sẽ giải quyết tất cả nhu cầu người lao động vùng dịch trở về.
"Hiện nay, chúng tôi đang kết nối với các doanh nghiệp ở Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… đây là những địa phương đang có nhu cầu lao động lớn để phục hồi sản xuất sau dịch. Cùng với đó, sẽ chỉ đạo các Phòng Lao động huyện thông báo tuyển dụng xuống các xã đối với lao động có nhu cầu", Phó Giám đốc Sở Định Văn Thơ cho biết.