Tham dự Hội nghị có Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN&PTNT) Lê Đức Thịnh; Phó Tổng Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo sở, ban, ngành của huyện, thành phố và các tỉnh trên toàn quốc.
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT Lê Đức Thịnh cho biết, trong những năm gần đây, việc ổn định tình hình dân di cư tự phát đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, các địa phương đã tích cực thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, quản lý dân cư, quản lý bảo vệ rừng và công tác phổ biến, tuyên truyền các chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước, các chính sách an sinh xã hội đã được triển khai sâu, rộng, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, dần từng bước ổn định cuộc sống tại quê hương bản quán của mình, do đó đã hạn chế được tình trạng dân di cư tự phát.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng dân di cư tự phát vẫn tiếp tục diễn ra ở một số địa phương, nhưng với số lượng không nhiều và đã giảm dần qua từng năm. Đặc biệt, số hộ đã di cư tự do từ giai đoạn trước hiện đang ở phân tán tại các địa phương nhất là tại các tỉnh Tây Nguyên chưa được bố trí ổn định vào các điểm dân cư theo quy hoạch còn tương đối lớn, khoảng hơn 16.000 hộ.
Theo Bộ NN&PTNT, tình trạng dân di cư tự do đã kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội, phá vỡ quy hoạch dân cư, quy hoạch đất đai, quy hoạch vùng sản xuất, phát sinh một số điểm nóng về an ninh chính trị, nhiều vụ khiếu nại khiếu kiện, tranh chấp đất đai kéo dài và tình trạng lấn chiếm, phá rừng xảy ra tại một số địa phương có dân di cư tự do đến, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên.
Chính vì vậy, ngày 8/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị giải pháp về ổn định tình hình dân di cư tự phát tại tỉnh Đắk Lắk và ngày 1/3/2020 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP về ổn định dân di cư tự phát và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.
Sau khi Nghị quyết số 22/NQ-CP ban hành, các địa phương đã tăng cường các giải pháp về quản lý đất đai, quản lý địa bàn và thường xuyên nắm tình hình về diễn biến dân cư đi, đến trên địa bàn nên tình trạng dân di cư tự phát đi các tỉnh khác đã giảm mạnh so với giai đoạn trước.
Từ tháng 3/2020 đến tháng 9/2022 tổng số hộ dân di cư tự phát đã tự ổn định cuộc sống và số hộ được các địa phương bố trí, sắp xếp vào các điểm dân cư theo vùng dự án là 8.009 hộ. Đến nay tổng số hộ dân di cư tự phát đang ở phân tán tại các địa phương, cần được sắp xếp, bố trí ổn định theo quy hoạch trong thời gian tới là 16.983 hộ.
Để hoàn thành nhiệm vụ và đạt được các mục tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ xem xét, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm trong giai đoạn 2023 - 2025 và tập trung nguồn lực quyết tâm phấn đấu hoàn thành việc bố trí, sắp xếp toàn bộ số hộ dân di cư tự phát đang ở phân tán trên địa bàn 10 tỉnh với khoảng 16.938 hộ vào các điểm dân cư theo quy hoạch trước năm 2025 gồm: Hòa Bình (53 hộ), Điện Biên (97 hộ), Lai Châu (273 hộ), Nghệ An (173 hộ), Đắk Nông (5.450 hộ), Đắk Lắk (4.461 hộ), Gia Lai (395 hộ), Kon Tum (4.854 hộ), Lâm Đồng (917 hộ), Bình Thuận (310 hộ), bảo đảm đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự phát.
Đồng thời, rà soát, bổ sung các dự án bố trí ổn định dân di cư tự phát vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, hàng năm ưu tiên bố trí vốn nhằm hoàn thành dứt điểm toàn bộ 29 dự án bố trí ổn định dân di cư tự phát đang thực hiện dở dang trước năm 2025, không để tồn đọng các dự án của giai đoạn 2021 - 2025 sang giai đoạn sau năm 2025.
Huy động nguồn lực để thực hiện bố trí ổn định dân di cư tự phát, ưu tiên nguồn lực cho các dự án cấp bách, nhằm giải quyết tình trạng và ổn định dân di cư tự phát; bố trí ngân sách địa phương và huy động lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình, dự án trên địa bàn như: Các Chương trình MTQG: Xây dựng NTM, Giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; khuyến nông, đào tạo nghề, bảo vệ và phát triển rừng... để ổn định đời sống lâu dài cho người dân di cư tự phát.