Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quyết sách cho vấn đề di cư tự phát: “Cơn sốt” di cư tự phát chưa hạ nhiệt ( Bài 1)

Lê Hường - 16:18, 13/05/2021

Nhiều năm qua, hàng nghìn người từ các tỉnh phía Bắc rời bỏ quê hương, mang theo khát vọng đổi đời nơi miền đất đỏ Bazan, tạo nên dòng chảy dân di cư tự phát đổ về các tỉnh Tây Nguyên. Các cuộc di cư tự phát ào ạt không những kéo theo nhiều hệ lụy với địa phương đến, mà nhiều người DTTS di cư tự phát còn rơi vào thảm cảnh, hoàn cảnh khó khăn bủa vây, đói nghèo đeo bám.

Trẻ em làng Mông thôn 12 xã Vụ Bổn.
Trẻ em làng Mông thôn 12 xã Vụ Bổn.

Câu chuyện về di cư tự phát đã diễn ra nhiều thập kỷ, tác động không nhỏ tới kinh tế - xã hội (KT-XH) của các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Tiếp nhận dân cư thụ động đã khiến các tỉnh Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm phương án giải quyết. Vậy nhưng, cho tới nay, làn sóng di cư tự phát đến khu vực này vẫn chưa hạ nhiệt.

Tìm miền đất hứa

Chúng tôi đến làng Mông, thôn 12, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) giữa buổi ban trưa. Đám trẻ con đang tắm mát dưới bồn chứa nước tập trung ngơ ngác nhìn đoàn khách lạ.

Trong căn nhà gỗ nền đất, ông Giàng A Giang, Phó trưởng thôn 12 chia sẻ: Ở ngoài quê đất canh tác ít, lại xấu, nên năng suất thấp, năm nào cũng đói giáp hạt. Nghe mấy người bà con nói Tây Nguyên đất rộng, màu mỡ nên gia đình mình và một số họ hàng, làng xóm rủ nhau vào đây. Ngày đó vùng đất này còn hoang vu lắm, đường sá đi lại không có, chủ yếu di chuyển bằng lối mòn. Gian nan lắm, nhưng so với ngoài quê vẫn còn đỡ hơn, nên mọi người kiên trì ở lại.

Chịu khó lao động sản xuất, người dân cũng tạm đủ ăn, nhưng cuộc sống còn phải chịu nhiều thiệt thòi. Bởi dù sinh sống ổn định tại thôn 12 nhiều năm, nhưng đến nay những người dân làng Mông vẫn chưa được nhập hộ khẩu, trẻ con sinh ra khai sinh theo họ mẹ, cặp vợ chồng trẻ không có đăng ký kết hôn, muốn vay vốn làm ăn cũng bó tay… Vì vậy, mà người làng Mông vẫn nghèo.

Ông Giàng A Giang cho biết: Những năm 2000, vài chục hộ đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Hà Giang di cư ngoài kế hoạch vào đây lập nghiệp. Làng Mông hình thành hơn 10 năm trước với 150 hộ thuộc thôn 12, xã Vụ Bổn. Đến nay, làng Mông có gần 300 hộ, gần 1.000 khẩu. Do diện tích đất khai hoang hạn hẹp, trong khi số hộ dân không ngừng tăng, đã dẫn đến tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất. Mong muốn lớn nhất của người dân làng Mông bây giờ là được nhập hộ khẩu về đây, để chính thức trở thành công dân của tỉnh Đắk Lắk.

“Cơn sốt” chưa hạ nhiệt

Đến nay, cụm dân cư Suối Phèn (đa số dân là di cư tự phát), xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long vẫn là cụm dân cư nghèo nhất nhì tỉnh Đắk Nông. Cụm dân cư này hiện có 100 hộ, với 500 khẩu, chủ yếu đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Bao nhiêu năm qua, người dân Suối Phèn không có chứng minh nhân dân, không hộ khẩu, trẻ em không có giấy khai sinh… nên mơ ước lớn nhất của họ chính là trở thành công dân đúng nghĩa.

Là một trong những hộ đầu tiên vào đây lập nghiệp, ông Giàng A Páo (SN 1957) kể lại: “Ngày ấy, quê ông gặp lũ quét, cuốn trôi tất cả nhà cửa, hoa màu khiến gia đình lâm cảnh màn trời chiếu đất, trắng tay. Nghe người ta nói ở Tây Nguyên đất rộng, người thưa, đất đai lại màu mỡ nên tôi đưa cả gia đình vào đây làm ăn, sinh sống. Nhưng nhiều năm qua không làm được bất cứ giấy tờ tùy thân nào”.

Công tác từ khi xã thành lập, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hòa Nguyễn Bá Thủy cho biết: Hơn 20 năm trước, tình hình dân di cư tự phát vào xã Quảng Hòa diễn biến hết sức phức tạp, số lượng người mỗi năm một đông. Có lúc bà con thuê cả xe khách 45 chỗ vận chuyển người từ phía Bắc vào đây, nên số lượng dân di cư tự phát đến địa bàn xã là rất lớn. Riêng cụm dân cư suối Phèn, đầu năm 2000 mới chỉ có 5 - 7 hộ dân từ tỉnh Lào Cai vào, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã thấy hàng trăm hộ dân khác tập trung đến dựng lán trại.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, từ năm 1976 đến 31/12/2020, Đắk Lắk có gần 60.000 hộ với hơn 291.000 khẩu từ các tỉnh, thành trong cả nước di cư đến. Trong đó, hơn 19.000 hộ là người DTTS, chiếm tỷ lệ 31,9%. Chỉ trong 15 năm, từ 2005 đến nay, Đắk Lắk có gần 1.900 hộ với hơn 9.000 khẩu, chủ yếu đồng bào DTTS từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào.

Tại tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2005 đến hết tháng 12/2019 cũng có 5.400 hộ với 23.600 khẩu, trong đó đồng bào DTTS là 4.800 hộ. Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn khoảng 1.500 hộ, tương đương 5.400 khẩu chưa có hộ khẩu.

Theo báo cáo tác động của dân di cư tự phát đến KT-XH các tỉnh Tây Nguyên do ông Triệu Văn Bình, Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội trình bày tại Hội thảo chuyên đề Giải pháp giảm nghèo bền vững đối với đồng bào DTTS du canh du cư vào tháng 6/2020, từ năm 1975 - 2020, khu vực Tây Nguyên luôn có biến động dân cư với quy mô lớn, số lượng tăng nhanh nhất cả nước. Năm 1976, Tây Nguyên chỉ có 1,23 triệu người, với 18 thành phần dân tộc, đến 2018 đã tăng lên 6 triệu người, với 54 dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.