Theo thống kê của cơ quan chức năng, tỉnh Quảng Ngãi hiện có 246 hộ (892 nhân khẩu) trong diện di dân tự phát. Trong đó, dân ở các tỉnh khác đến và di cư nội tỉnh là 183 hộ (482 nhân khẩu); dân từ Quảng Ngãi đi (chủ yếu lên Tây Nguyên) là 63 hộ (410 nhân khẩu).
Tình trạng này gây ra nhiều hệ lụy, khó khăn cho quá trình quản lý dân cư cũng như phát triển kinh tế-xã hội trong vùng. Việc không đăng ký, hoặc chưa đủ điều kiện để đăng ký hộ khẩu thường trú là trở ngại trong thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với người dân. Việc di cư tự phát cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của họ như trẻ em không được học hành đầy đủ, mất an ninh trật tự...
Nói về tình trạng này, ông Nguyễn Đức On, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua tình trạng người dân, trong đó chủ yếu là người DTTS di cư tự phát theo cả chiều đến và chiều đi ở Quảng Ngãi rất phức tạp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, chủ yếu là do phong tục, tập quán, lối sống du canh du cư, sản xuất trên nương rẫy của đồng bào DTTS.
Một nguyên nhân nữa là nhiều địa phương còn lúng túng trong việc di dời dân cư theo kế hoạch. Một số huyện không có kế hoạch di dời dân cụ thể hằng năm; hoặc khi xây dựng kế hoạch chưa lường hết những biến động mới. Cụ thể, một số khu dân cư trên địa bàn miền núi hiện nay có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân nhưng lại chưa có kế hoạch di dời.
Ông Đinh Văn Tuấn, một người dân ở thôn Nước Vương, xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây cho hay: Do phải nhường đất để xây dựng nhà máy thủy điện Đăkđrinh nên gia đình ông được hỗ trợ định cư tại khu tái định cư Nước Vương. Tuy nhiên, tại nơi ở mới gia đình ông lại gặp phải tình trạng sạt lở nghiêm trọng buộc phải tự sơ tán đến nơi ở khác. “Nay không còn sợ sạt lở nữa nhưng mình không có đất sản xuất nên chẳng mấy khi ở đây mà di cư vào nương rẫy cũ để ở và sản xuất hoa màu kiếm thêm thu nhập”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2013 - 2018, tỉnh có 4 dự án tái định cư, đảm bảo bố trí 712 hộ trong vùng thiên tai, với tổng vốn đầu tư gần 34 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với nhu cầu ổn định cuộc sống của nhiều bộ phận dân cư thì vẫn chưa đáp ứng đủ. Do vậy, nhiều nơi có nguy cơ sạt lở người dân buộc phải tự di chuyển.
Để hạn chế tình trạng này, ông Nguyễn Đức On cho biết, đối với chiều di cư từ nới khác đến Quảng Ngãi. Đề nghị các cơ quan Trung ương sớm ban hành quy chế quản lý. Qua đó điều chỉnh, ràng buộc các trường hợp di cư, gây bất ổn xã hội; đồng thời, khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến là người DTTS đã thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, biết cách làm ăn, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống tại chỗ...
Đối với trường hợp người DTTS ở Quảng Ngãi có ý định di cư đi nơi khác thì cần tập trung các giải pháp hỗ trợ để họ ổn định cuộc sống. Cần đề ra những chính sách phù hợp theo đặc điểm của từng vùng, miền, nhằm từng bước ổn định, nâng cao đời sống của người dân, nâng cao thu nhập, tạo việc làm tại chỗ.
Với đối tượng dân cư trên địa bàn buộc phải di chuyển cần có kế hoạch cụ thể. Trong đó ưu tiên lựa chọn vùng, điểm tái định cư phải gần nơi sản xuất cũ, nhằm tạo điều kiện để người dân quay trở lại sản xuất, được xem là giải pháp quan trọng trong thực hiện các dự án đầu tư khu dân cư tập trung.
THÀNH NHÂN