Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Sự kiện - Bình luận

Chùa có phải môi trường sinh hoạt lý tưởng của trẻ em?

Hồng Phúc - 10:25, 04/07/2023

Sau vụ lùm xùm học sinh bị đánh ở khóa tu mùa Hè tại chùa Cự Đà phải đi bệnh viện chụp chiếu, nhiều người trong chúng ta chắc hẳn sẽ giật mình suy nghĩ về tình trạng "nở rộ" những khóa tu Hè diễn ra tại nhiều địa phương hiện nay. Một câu hỏi đặt ra là, liệu chùa có thật sự là môi trường sinh hoạt lý tưởng của trẻ em?

Chùa đâu phải môi trường sinh hoạt lý tưởng của trẻ em?
Chùa Cự Đà - Nơi một phụ huynh phản ánh con bị đánh tại khóa tu mùa Hè

Trong những năm gần đây, nhiều chương trình khóa tu tại chùa "nở rộ" tại nhiều địa phương trên cả nước. Chỉ tìm kiếm từ khóa “Khóa tu mùa Hè” trên Google, đã cho ra hơn 10 triệu kết quả chỉ trong 0,41 giây. Như vậy để thấy rằng, gửi trẻ tới các khóa học ngắn ngày vào dịp nghỉ Hè là nhu cầu rất lớn của các bậc phụ huynh.

Mới đây, vụ việc một phụ huynh phản ánh, con bị đánh tại khóa tu mùa Hè ở chùa Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội gây xôn xao dư luận. Vụ việc xảy ra khiến học sinh tham dự khóa tu phải đi bệnh viện chụp chiếu, là do nơi tổ chức thiếu năng lực quản lý. Thử tưởng tượng 600 học sinh tu tập trong không gian nhỏ; điều kiện sinh hoạt tối thiểu như nhà vệ sinh, nhà tắm thiếu thốn thì sẽ thế nào?

Mục đích của các khóa tu là nhân văn, tốt đẹp, nhưng thực tế không phải đền, chùa nào cũng làm tốt việc này được. Nhân lực, kỹ năng tổ chức nếu không chuyên nghiệp sẽ không tránh khỏi những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Theo Quyền thứ 8 theo Luật Trẻ em 2016, trẻ em có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào và phải được bảo đảm an toàn, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Trên thực tế, các bậc cha mẹ thường lấy nhu cầu của chính mình, để áp đặt rằng trẻ nhỏ cũng cần phải tu hành, hồi hướng hay là chữa lành tâm trí chưa chắc đã phù hợp với con trẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho rằng, việc tách đột ngột trẻ khỏi bạn bè thân thiết, thế giới quen thuộc của chúng, không những không thể khiến trẻ bình tâm được mà còn khiến chúng trầm cảm, tăng động và bộc phát nhiều hành vi khó lường.

Chưa kể, trẻ nhỏ luôn cần môi trường bảo đảm khoa học sư phạm với chăm sóc y tế sẵn sàng. Cơ sở thờ tự là nơi linh thiêng tôn giáo, mang chức năng và vai trò đặc thù, thiếu năng lực phục vụ vệ sinh, sinh hoạt cho quá đông người.

Chùa đâu phải môi trường sinh hoạt lý tưởng của trẻ em? 1
Mục đích của các khóa tu là nhân văn, tốt đẹp nhưng thực tế không phải đền, chùa nào cũng làm tốt việc này

Theo Thông tư 27/2022/TT của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể về quyền trẻ em, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em khi trẻ em tham gia vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục. Quy định các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục có trách nhiệm: Thông báo đầy đủ chương trình, thời gian, thời lượng, địa điểm, đối tượng, số lượng trẻ em tham gia, hình thức tổ chức, nhân lực (bao gồm hướng dẫn viên, điều phối viên, tình nguyện viên, người phụ trách trẻ em, giảng viên) đến trẻ em, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em trước khi trẻ em tham gia hoạt động; bảo đảm điều kiện về y tế, nhân lực để kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho trẻ em tham gia hoạt động; bảo đảm phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em, phòng, chống cháy nổ và dịch bệnh theo quy định...

Đối chiếu với các quy định trên, liệu chúng ta có đang “dễ dãi” với các tiêu chuẩn của khoá tu mùa Hè?

Thật khó hiểu khi chúng ta tin tưởng hoàn toàn đưa những đứa trẻ đang tuổi phát triển tâm sinh lý vào nhà chùa - môi trường tín ngưỡng vốn phù hợp với vãn cảnh, phục vụ các nhu cầu tâm linh. Liệu các bậc cha mẹ có bao giờ đặt câu hỏi chùa, hay các không gian thờ tự tín ngưỡng liệu có phải là môi trường lý tưởng của trẻ em?

Chùa đâu phải môi trường sinh hoạt lý tưởng của trẻ em? 2
Khóa tu mùa Hè không phải cánh cửa biến hình tính cách cho con trẻ

PGs.Ts. Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để giúp những hoạt động trải nghiệm trại Hè trở thành những hoạt động giáo dục thực sự có ý nghĩa, góp phần hình thành nên năng lực phẩm chất ở con em, thì cha mẹ không thể không quan tâm đến các yếu tố bảo đảm chất lượng như, nội dung chương trình, từng hoạt động cụ thể được tổ chức thế nào, hướng đến mục tiêu giáo dục nào, đo lường sự hình thành năng lực phẩm chất bằng công cụ nào, người giáo viên tổ chức các hoạt động đó có kinh nghiệm sư phạm, có bằng cấp phù hợp hay không.

Thực tế, các khóa tu chỉ là một hành trình ngắn để trẻ được tham gia trải nghiệm một cuộc sống khác với cuộc sống đang có của trẻ. Những yêu cầu trẻ dậy sớm, tự gấp chăn màn, đi nhặt rác, đọc kinh sách trong một vài ngày trải nghiệm, không thể giúp trẻ hình thành phẩm chất thói quen tự giác mà chỉ là hành vi tự phát do bị bắt buộc.

Mọi trẻ em đều cần được chăm lo để các em luôn được vui chơi, tiếp nhận kiến thức, kể cả trong kỳ nghỉ Hè. Và vai trò của các bậc phu huynh luôn là quan trọng nhất trong giáo dục con cái. Khóa tu mùa Hè không phải cánh cửa biến hình tính cách cho con trẻ. 

Tin cùng chuyên mục
Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Để sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ Tài chính có Văn bản số 8006/BTC-NSNN ngày 31/7/2023 hướng dẫn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn rất nhiều địa phương vẫn còn nhiều tài sản công bị bỏ hoang, chưa có phương án sắp xếp, gây lãng phí kèo dài.