Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số

TS Lê Trung Kiên - 14:04, 01/02/2022

Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc cùng sinh sống, kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi với nhau trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quan tâm sâu sắc đến đời sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ của đồng bào. Người đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chính sách dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển, đặc biệt là sự quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS.


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đến sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đến sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS.

Tầm quan trọng của đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số là vấn đề mang tính chiến lược, tạo ra động lực to lớn cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu tình hình đội ngũ cán bộ, đảng viên dân tộc thiểu số và Người có những chỉ đạo chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng xuất thân từ các dân tộc ít người.

Cán bộ là người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành, “làm đầu tàu” lôi cuốn đồng bào làm theo. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Từ đó, cán bộ và đồng bào các dân tộc sẽ thực hiện theo những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, Người nhấn mạnh việc “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Đội ngũ cán bộ các dân tộc có trình độ nhận thức sẽ góp phần tuyên truyền, giác ngộ và giải thích đầy đủ cho đồng bào cùng hiểu, thấy rõ các khó khăn, thách thức và thuận lợi, thời cơ trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, đồng bào nhận thức được cái đúng, cái sai; không được nghe, làm theo những phần tử cơ hội, cực đoan và cả một số tổ chức nước ngoài lôi kéo, kích động, đòi chia cắt lãnh thổ, đòi độc lập, hoặc là những quan điểm sai trái khác.

Thực tế hiện nay, các dân tộc thiểu số phát triển không đồng đều về kinh tế - xã hội, còn rất nhiều vùng khó khăn, gia đình nghèo, điều kiện còn thiếu thốn, nhận thức còn lạc hậu, dễ bị thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo... Do đó, việc đào tạo cán bộ dân tộc là yếu tố trung tâm, then chốt và mang tính quyết định cho việc tạo niềm tin cho đồng bào, góp phần đẩy mạnh nâng cao dân trí, khích lệ và động viên đồng bào tháo gỡ những khó khăn, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Giáo dục, bồi dưỡng toàn diện cho cán bộ người dân tộc thiểu số

Theo Hồ Chí Minh, làm cách mạng không chỉ sử dụng cán bộ người dân tộc mà còn phải ra sức bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, để họ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng và giúp ích cho đồng bào mình.

Trước hết, trách nhiệm chính trị của Đảng và hệ thống chính trị là không ngừng quan tâm, lãnh đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số về mọi mặt; có kế hoạch tổ chức trường, lớp thường xuyên. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải cụ thể, thiết thực, dễ nhớ, phù hợp với nhận thức, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc. Phương châm, phương pháp giáo dục gắn lý luận với thực tiễn, có tính kế thừa, gắn với nhiệm vụ thực tế và đặc điểm từng vùng miền của đồng bào dân tộc. Người thẳng thắn phê bình cách lãnh đạo thiếu sót về việc còn xem nhẹ cán bộ dân tộc thiểu số và chưa chú trọng công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ các dân tộc ít người.

Thường xuyên bồi dưỡng cho cán bộ dân tộc thiểu số về tư tưởng, chính trị. Người cho rằng, công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất. Cán bộ dân tộc có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới, thì tư tưởng mới thống nhất, từ đó hành động mới thống nhất. Giáo dục lý luận cho cán bộ dân tộc là việc làm thường xuyên, liên tục, góp phần nâng cao phẩm chất chính trị, kỹ năng tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho đồng bào.

Chăm lo, bồi dưỡng cán bộ các dân tộc luôn gìn giữ, phát huy truyền thống đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc, là cơ sở đảm bảo lợi ích tối cao của toàn dân tộc Việt Nam. Theo Người, lợi ích tối cao của dân tộc ở Việt Nam là độc lập, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, là bình đẳng, dân chủ, với cuộc sống ấm no, hạnh phúc, lợi ích thiết thân chính đáng của đồng bào các dân tộc. Vì vậy, việc giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các dân tộc thiểu số để họ luôn gương mẫu phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự tôn, tự hào của mỗi dân tộc, không cam chịu đói nghèo, quyết tâm xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc.

Cán bộ dân tộc thiểu số phải tự ý thức để trau dồi, học để không ngừng tu dưỡng tiến bộ. Người nói: Muốn tiến bộ phải làm gì? Phải học.

Cán bộ không ngừng nâng cao trình độ ở đâu? Người kêu gọi cán bộ, đảng viên học ở các tài liệu của Đảng, học ở trường lớp, học ở đồng bào, vì đồng bào có nhiều kinh nghiệm và sáng kiến hay. Học tập tốt nhất là học tập trong công tác, cán bộ phải vừa làm vừa học. Kẻ thù của học tập là bệnh lười biếng và thói tự mãn. Cán bộ phải có quyết tâm học tập thì nhất định việc học tập sẽ đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ.

Những chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học quý giá cho định hướng nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số phải toàn diện, đầy đủ, có trình độ, có tri thức, có năng lực công tác, năng lực lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Tăng cường bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ, nâng cao dân trí, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, phát huy nội lực, tinh thần tự lực tự cường của đồng bào các dân tộc. Nâng cao ý thức, trách nhiệm tự học của mỗi cán bộ dân tộc thiểu số vì sự tiến bộ và phát triển.

Tuyển chọn, giúp đỡ, tương trợ cán bộ các dân tộc thiểu số

Đi đôi với công tác giáo dục, bồi dưỡng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm công tác tuyển chọn, cất nhắc cán bộ dân tộc thiểu số. Người yêu cầu Đảng và Chính phủ phải “ra sức cất nhắc”, ưu tiên giúp đỡ cán bộ người dân tộc nâng cao khả năng công tác giúp ích cho đồng bào.

Theo Người, mục đích tương trợ cán bộ các dân tộc là để cán bộ miền ngược tiến kịp cán bộ miền xuôi, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc, tránh tư tưởng dân tộc lớn nhỏ, chia rẽ, hẹp hòi ích kỷ vùng miền, hoặc thái độ hách dịch, cửa quyền và là điều kiện quan trọng để cán bộ yên tâm công tác.

Hoạt động tương trợ được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và cuộc sống. Người cho rằng, trong điều kiện các dân tộc còn có sự chênh lệch về trình độ phát triển thì không thể thực hiện chính sách bình đẳng giữa các dân tộc mà Nhà nước cần có sự ưu tiên, giúp đỡ cán bộ dân tộc và đồng bào các dân tộc có trình độ thấp hơn. Nhà nước áp dụng chính sách trợ cấp, ưu đãi, bổ nhiệm cán bộ dân tộc thiểu số là rất cần thiết để nâng cao niềm tin và gắn kết chính quyền với đồng bào.

Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước quán triệt vận dụng sáng tạo những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, còn bộc bộ một số hạn chế, cần tiếp tục thực hiện tốt những giải pháp cơ bản là: Tiếp tục đổi mới chính sách, nội dung và phương pháp đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số, gắn với tuyển dụng, trọng dụng, bổ nhiệm cán bộ các dân tộc. Có chế độ, chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút cán bộ dân tộc thiểu số giỏi phục vụ cho cơ sở. Tập trung đào tạo trọng tâm, trọng điểm cho cán bộ nguồn của các dân tộc về phẩm chất chính trị; phẩm chất đạo đức, lối sống; trình độ (học vấn, chính trị, chuyên môn); năng lực (trí tuệ, chuyên môn, thực tiễn); phong cách làm việc; sức khoẻ và chú ý lựa chọn, bồi dưỡng thế hệ cán bộ dân tộc kế cận, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.