Hiệu quả đội ngũ cán bộ DTTS từ cơ sở
Là tỉnh miền núi, dân cư chủ yếu là đồng bào DTTS, Bắc Kạn luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người DTTS. Đến nay, 100% cán bộ cấp xã của tỉnh đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ. Tỷ lệ công chức cấp xã có trình độ từ trung cấp trở lên đạt 100%. Số cán bộ xã có trình độ trung cấp lý luận trở lên đạt 90,3%. Số công chức xã có trình độ trung cấp lý luận trở lên đạt 51%. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS toàn tỉnh chiếm 72,2%, trong đó tỷ lệ cán bộ là người DTTS tham gia cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương đạt hơn 70%.
Tại Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có trên 3.500 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là người DTTS, chiếm trên 12% số CBCCVC toàn tỉnh. 100% CBCCVC người DTTS trên địa bàn tỉnh được đào tạo, phát triển tại chỗ, bảo đảm về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn.
Theo ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, đội ngũ cán bộ DTTS là người địa phương có năng lực chuyên môn, am hiểu về phong tục, tập quán, thông thạo địa hình, ngôn ngữ đã giúp cho việc triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi của địa phương.
Theo báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2018 của Ủy ban Dân tộc việc phát triển đào tạo đội ngũ cán bộ người DTTS bảo đảm tỷ lệ đội ngũ cán bộ người DTTS tham gia vào cơ quan Nhà nước, đồng thời đội ngũ này đang góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng DTTS miền núi đã đạt mức độ khá cao. Minh chứng như bình quân các tỉnh Tây Bắc tăng 8,4%; các tỉnh Tây Nguyên tăng 8,1%; các tỉnh Tây Nam Bộ tăng 7,3%, tỷ lệ hộ nghèo các xã ĐBKK giảm 3 - 4%/năm…
Cần có cơ chế chính sách đặc thù
Một khó khăn hiện nay, ở nhiều địa phương có tỷ lệ người DTTS đông, nhưng số người tham gia vào hệ thống lãnh đạo các cấp lại rất ít. Đó là lý do khiến tỷ lệ và việc sử dụng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS còn hạn chế. Theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ, hiện cả nước có khoảng 64.560 CBCC người DTTS, mới chỉ đạt tỷ lệ 12,2% trong tổng số CBCC cả nước. Số cán bộ người DTTS ở cơ quan Trung ương là 6.900 người, chiếm tỷ lệ 5%; ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 57.660 người, chiếm tỷ lệ 14,83.
Tại Hội thảo “Xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS” do Ban Dân vận, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội Vụ tổ chức vào tháng 7/2019, bà Trương Thị Mai Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra rằng: Hiện nay, cả nước có 53 DTTS sinh sống thành cộng đồng tại 51 tỉnh, thành phố. Nhà nước đã ban hành 118 chính sách đối với đồng bào DTTS, bao gồm 54 chính sách trực tiếp, 64 chính sách gián tiếp. Tuy nhiên, chính sách này vẫn dàn trải và cần có giải pháp giải quyết tốt hơn.
Mục tiêu của Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển đội ngũ CBCCVC người DTTS trong thời kỳ mới” đưa ra: Đối với tỉnh có tỷ lệ 50 - 70% người DTTS, phải bảo đảm tối thiểu có 15% người DTTS tham gia vào cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, 30% tham gia cấp huyện trên tổng biên chế; tỉnh có tỷ lệ người DTTS trên 70% thì tỷ lệ cán bộ, công chức phải bảo đảm tối thiểu là 20%, còn cấp huyện là 35%.
Để đạt được mục tiêu này, rõ ràng cần có cơ chế chính sách đặc thù trong việc tuyển dụng nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ DTTS. Hy vọng dự án “Xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” của Ủy ban Dân tộc sẽ góp phần phát triển cả về chất và lượng đối với đội ngũ CBCCVC người DTTS trong thời kỳ mới.