Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chữ Thái trên hành trình di sản

Trương Hữu Thiêm - 05:59, 31/12/2024

Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong vòng hơn 2 thập kỷ qua, tỉnh Điện Biên được lựa chọn là nơi tổ chức nhiều nhất các hội thảo về dạy và học chữ của các DTTS (chủ yếu là chữ Thái và chữ Mông), ở cả cấp quốc gia, cấp khu vực (vùng Tây Bắc) cũng như cấp câu lạc bộ văn hóa các DTTS...

Học sinh Trường Tiểu học xã Sam Mứn, huyện Điện Biên trong giờ học tiếng Thái. (Ảnh TL)
Học sinh Trường Tiểu học xã Sam Mứn, huyện Điện Biên trong giờ học tiếng Thái. (Ảnh TL)

Lĩnh hội quan điểm của Luật Giáo dục: “Nhà nước tạo điều kiện để người DTTS được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, giúp cho học sinh DTTS dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác”, vài chục năm gần đây, vấn đề dạy tiếng nói và chữ viết DTTS được Chính phủ, ngành Giáo dục - Đào tạo cũng như toàn xã hội quan tâm hơn. Điều này được thể hiện qua việc ban hành các văn bản làm cơ sở pháp lý, biên soạn sách giáo khoa, đào tạo giáo viên và tổ chức dạy thí điểm ở một số tỉnh vùng đồng bào DTTS.

Trên đà thuận lợi đó, cách đây hơn 10 năm, UBND tỉnh Điện Biên có Quyết định số 759/2010/QĐ-UBND về việc: “Ban hành Bộ tài liệu tiếng dân tộc Mông, tiếng dân tộc Thái”, do Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên chủ trì biên soạn, làm tài liệu để đào tạo tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Điện Biên. Chỉ hơn một năm sau, đúng ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ (8/9), UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 895/QĐ-UBND ngày 08/9/2011, về việc phê duyệt Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và THCS tỉnh Điện Biên. Điều khác nhau ở chỗ, nếu Quyết định số 759/QĐ-UBND ban hành tài liệu về đào tạo tiếng dân tộc dành cho cán bộ, công chức, viên chức... thì đối tượng mà Quyết định số 895/QĐ-UBND nhắm tới là học sinh tiểu học và trung học cơ sở.

Tại Điện Biên, dân tộc Thái và dân tộc Mông chiếm tỷ lệ đông nhất, nhì tỉnh với tỷ lệ 37,99% và 34,81%. Trong quá khứ của tỉnh Lai Châu (cũ), chữ Thái và chữ Mông là 2 mẫu tự DTTS từng được triển khai dạy thí điểm tại một số trường tiểu học, tuy số lượng còn hạn chế. Thống kê của ngành chức năng cho thấy, giai đoạn 1996 - 2000 đã có hơn 300 học sinh học chữ Thái tại huyện Tuần Giáo và 1.400 học sinh học chữ Mông tại huyện Tủa Chùa. Giai đoạn 2001 - 2005, có gần 2.000 học sinh học chữ Thái tại huyện Tuần Giáo, huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông.

Buổi sinh hoạt của CLB “Yêu tiếng Thái” Trường PTDT Nội trú tỉnh Điện Biên. Ảnh: TL
Buổi sinh hoạt của CLB “Yêu tiếng Thái” Trường PTDT Nội trú tỉnh Điện Biên. Ảnh: TL

Nhiệm vụ bảo tồn chữ viết dân tộc Thái và dân tộc Mông là công việc rất quan trọng và cần thiết của quá trình nghiên cứu và phát huy văn hóa các dân tộc Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng.

Ông Lò Ngọc Duyên, dân tộc Thái, Trưởng Ban Điều phối “Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tri thức các dân tộc Điện Biên” cho biết: Trung tâm có 4 CLB thành viên thì 2/4 CLB có chức năng bảo tồn chữ viết, đó là CLB bảo tồn chữ Mông và CLB bảo tồn chữ Thái. Dựa vào kết quả nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, trong số 18 DTTS ở Điện Biên, chỉ có 8 dân tộc có chữ viết riêng, gồm: Dao, Giáy, Hoa, Lào, Nùng, Tày, Mông và Thái. Riêng dân tộc Lào trên địa bàn tỉnh không còn ai đọc được chữ Lào cổ.

Ông Lò Văn Thâng, dân tộc Thái, nguyên Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tuần Giáo, thành viên Hội đồng Biên soạn sách giáo khoa tiếng Thái tỉnh Điện Biên cho biết: Tại Sơn La - một trong những “cái nôi” của vùng đồng bào Thái Tây Bắc - 5 bộ font chữ Thái Sơn La được thiết kế gồm: Thai VietNam chuan, Thai VietNam nghieng, Thai VietNam co, Thai VietNam dam và Thai VietNam hoa sử dụng như các bộ font chữ quốc ngữ trên máy vi tính hiện nay. Kết quả từ việc hoàn thiện phần mềm font chữ Thái trên máy vi tính đã tạo thuận lợi trong công tác tuyên truyền, bảo tồn chữ Thái.

Bà con theo học để giữ lấy chữ Thái cổ, giữ lấy nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình, thế là tôi vui và mãn nguyện lắm rồi!”

Anh Tòng Văn Hân,Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật huyện Điện Biên

Nói về việc mở lớp truyền dạy chữ Thái cổ miễn phí theo chương trình của “CLB Văn hóa Thái - Mường Thanh” và những lớp học mở tại nhà riêng, anh Tòng Văn Hân, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật huyện Điện Biên chia sẻ: “Lúc đầu, tôi cũng hơi lo, không biết bà con người Thái có hưởng ứng nhiệt tình không, duy trì được lâu không. Thật mừng là người ghi tên theo học ngày càng đông, lớp học đều đặn mở đến tận hôm nay. Có những gia đình hai, ba thế hệ (ông - bố - cháu) cùng học một lớp, một chương trình”.

Theo chủ trương của UBND tỉnh Điện Biên, mỗi năm trên địa bàn tỉnh sẽ mở khoảng 40 lớp học chữ (tiếng) Thái, 40 lớp học chữ (tiếng Mông) cho khoảng 2.000 học sinh lớp 3; duy trì số học sinh này tiếp tục học lên các lớp 4, 5, 6, 7 vào những năm học tiếp theo. Toàn tỉnh sẽ có khoảng 40 trường tiểu học và 40 trường trung học cơ sở tham gia chương trình dạy và học tiếng Thái, tiếng Mông. Ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh cũng có kế hoạch đào tạo tập trung giáo viên dạy tiếng Thái và tiếng Mông cho cấp tiểu học và trung học cơ sở để bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc theo hướng bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).