Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

“Chủ động, linh hoạt xử lý trong mọi tình huống để phòng, chống dịch Covid-19”

Minh Thu - 20:02, 24/08/2021

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Hoàng Thị Hạnh, thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của UBDT tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch Covid-19 cơ quan UBDT (gọi tắt là BCĐ) diễn ra chiều ngày 24/8/2021.


Lấy mẫu xét nghiệm Covid -19 cho cán bộ, công chức tại trụ sở Ủy ban Dân tộc
Lấy mẫu xét nghiệm Covid -19 cho cán bộ, công chức tại trụ sở Ủy ban Dân tộc

Tại cuộc họp, ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền báo cáo tóm tắt tình hình phòng, chống dịch Covid-19. Theo báo cáo, tính đến 18h ngày 24/8, cả nước ghi nhận 369.267 ca mắc. Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay đã ghi nhận 365.152 ca mắc, trong đó có 159.501 ca đã khỏi bệnh. Cũng trong đợt dịch thứ 4, có 62 tỉnh/thành phố ghi nhận trường hợp mắc, có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc, là tỉnh Cao Bằng.

Tại vùng đồng bào DTTS: Tính từ 27/4 đến hết ngày 22/8, các tỉnh/thành phố vùng đồng bào DTTS có 312.197 ca F0. Theo thống kê chưa đầy đủ (từ miền Trung - Tây Nguyên trở vào) có 1.855 ca F0 là người DTTS.

Về công tác phòng, chống Covid-19 của Ủy ban Dân tộc: 100% công chức, viên chức, người lao động cơ quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Lãnh đạo UBDT và BCĐ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tại cuộc họp trực tuyến, các thành viên BCĐ đã nghe phương án thực hiện công tác phòng, chống dịch của UBDT theo Công văn số 6666 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị. Phương án của UBDT xây dựng nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, cách ly, chuyển các trường hợp nghi nhiễm Covid-19, các trường hợp thuộc diện F tại trụ sở cơ quan UBDT đến các cơ sở y tế theo quy định; hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của UBDT nắm được tình hình dịch bệnh, không hoang mang, lo lắng. Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế tổ chức xét nghiệm định kỳ 2 lần/tháng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là những người ở vị trí việc làm đặc thù; quán triệt, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thời gian làm việc tại cơ quan cũng như ngoài giờ hành chính…

Tại cuộc họp trực tuyến, các thành viên BCĐ thống nhất cao với Dự thảo phương án phòng, chống dịch của UBDT trong tình hình mới; đồng thời đề xuất BCĐ sớm có phương án hỗ trợ đối với các F0 là người DTTS tử vong, F0 là người DTTS đang điều trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế; quan tâm hỗ trợ sớm các đối tượng F0, F1 là hộ DTTS cận nghèo; hỗ trợ công chức của UBDT thuộc diện F0, F1. Với những địa phương đã có danh sách người DTTS thuộc diện hộ nghèo hoặc địa bàn bị cách ly cần thực hiện hỗ trợ ngay, hỗ trợ sớm, thủ tục cần nhanh gọn, đảm bảo tính kịp thời. Các vụ địa phương phải chủ động phối hợp với các tỉnh có biện pháp quản lý người lao động tại nơi cư trú, đảm bảo tốt nhất các yêu cầu về phòng chống dịch, đề xuất xét nghiệm sàng lọc cho cán bộ UBDT tại những địa phương đang thực hiện giãn cách.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh đề nghị các thành viên BCĐ quán triệt Công điện 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đến đơn vị mình; quán triệt chỉ đạo của Bộ trưởng theo Công văn 1029 ngày 25/7/2021 về tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Triển khai vận dụng thực hiện Công văn số 6666 của Bộ Y tế về hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị. 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh yêu cầu bổ sung thêm thành viên BCĐ; thành lập các Tổ an toàn Covid. Đồng thời đề nghị các Vụ Địa phương kiểm tra  tình hình thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đối với lao động và người sử dụng lao động là người DTTS. Nắm số lao động người DTTS còn mắc kẹt tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai để có phương án hỗ trợ kịp thời…

Với số học sinh là F0 thuộc Trường Dự bị Dân tộc tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm yêu cầu khẩn trương triển khai hỗ trợ ngay theo định mức 1 triệu đồng/suất. Các vụ, đơn vị phối hợp với Lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh để tăng cường nắm bắt thông tin, triển khai, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch kịp thời, thông suốt với mục tiêu cao nhất là hỗ trợ đồng bào DTTS vơi bớt khó khăn, chung sức đồng lòng cùng cả nước vượt qua đại dịch./.

Tin cùng chuyên mục
Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Việc xây dựng hồ sơ dự án Luật về lĩnh vực dân tộc là nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc. Bộ luật cũng tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng DTTS và miền núi. Tại Hội thảo khoa học "Định hướng tên gọi, nội dung dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc" diễn ra sáng ngày 20/9, rất nhiều đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, khoa học, cơ sở đào tạo...trên các lĩnh vực tham gia tham luận