Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy…

Lê Vũ - 15:26, 24/08/2021

Sớm mai thức giấc, thấy mình và gia đình vẫn khỏe mạnh bình yên. Nhấc điện thoại lên, nhắn tin, gọi điện cho những người thân quen, thở phào vì không ai “dương tính”. Đó là hạnh phúc, là điều quý giá nhất mà người dân TP. Hồ Chí Minh đang mong muốn vào lúc này, khi sống giữa tâm dịch. Nhưng không phải ai cũng có được điều giản đơn ấy… Đã đến lúc bạn nên nói “cảm ơn cuộc đời”.

TP. Hồ Chí Minh đón bình minh – cảm ơn đời vì mỗi ngày ta vẫn còn được đón bình mình cùng thành phố
TP. Hồ Chí Minh đón bình minh

Nhiều hệ lụy buồn

Tôi đến với thành phố này, có lẽ vẫn chưa đủ lâu để có thể hiểu hết về nó, nhưng có điều chắc chắn là tôi cảm nhận rõ, rất rõ về tình người nơi đây. TP. Hồ Chí Minh tuy lộng lẫy, phồn hoa, tuy bề ngoài có vẻ xô bồ, phức tạp, nhưng thực chất là vùng đất hữu tình. Thành phố này chưa bao giờ ngừng giang tay bao dung, ôm ấp nhiều phận đời và trong đó có tôi.

Rồi Covid-19 bùng lên, TP. Hồ Chí Minh thành tâm dịch. Thành phố đã trải qua những tháng ngày bị ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng. Những bảng hiệu, hàng quán đã không còn sáng đèn. Đường phố im vắng. Thành phố từng được mệnh danh là “không bao giờ ngủ” giờ đây bỗng trầm mặc lạ thường. Mọi người thở dài vì không ai nghĩ thứ Covid-19 quái ác kia lại kéo dài và gây ra nhiều hệ lụy buồn: Thất nghiệp, nghèo đói, tử vong …

Nhưng rồi giữa những ngày giông bão ấy, ta lại thấy tình người chợt sáng. Cùng với chính quyền các cấp, với sự trợ giúp từ nhiều địa phương khác, hơn hết là chính người dân đã dìu nhau vượt qua khó khăn với niềm tin chiến thắng đại dịch. 

Những “phiên chợ 0 đồng”, những “bếp yêu thương”, này thì “ATM gạo”, này thì “nếu bạn cần hãy lấy 1 phần”, và kia là “xe cứu thương miễn phí”, đây là “đội tiếp tế Oxy”… Những điều tốt đẹp, đầy nghĩa tình, đầy nhân văn này có lẽ những ngày qua đã được chia sẻ, lan truyền rất nhiều trên mặt báo, trên mạng xã hội.

Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều lo toan, nhiều bất an và thậm chí là nhiều nghi ngại. Cũng dễ hiểu, khi mà con người ta quá quen với sự bình yên thì trước tin có giông bão người ta thường không lo ngại, chỉ đến lúc hiểm nguy ập tới thì họ mới bắt đầu hoảng loạn. Và thường thì trong cơn hoản loạn, người ta rất dễ cục cằn, ích kỷ và bất chấp. 

Điều đó thể hiện khi những ngày qua, đại dịch diễn biến phức tạp, chính quyền siết chặt giãn cách, nhiều biện pháp cứng rắn được áp dụng để nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan thì bắt đầu có rất nhiều phản ứng tiêu cực. Nhan nhản những lời than oán trên mạng xã hội: Nào là hết tiền sinh sống, nào là thất nghiệp, nào là không nhận được cứu trợ. Rồi thậm chí nhiều hành vi chống đối, gian dối…

Hình ảnh một tình nguyện viên nơi tuyến đầu ngồi che dù trong cơn mưa. Họ đang chiến đấu vì chúng ta, vậy chúng ta đã làm gì?
Hình ảnh một tình nguyện viên nơi tuyến đầu ngồi che dù trong cơn mưa. Họ đang chiến đấu vì chúng ta, vậy chúng ta đã làm gì?

Tin vào ngày mai…

Tôi biết người dân thành phố đang buồn, rất buồn. Tôi không trách những người có suy nghĩ và hành vi tiêu cực, vì tôi hiểu trên hết họ cũng chỉ đang muốn những đều tốt cho gia đình và bản thân họ. Thực tế cũng đã 3 tháng rồi thành phố giãn cách, mất  việc làm đối với những người lao động nghèo, xa xứ là vô vàn khó khăn để tồn tại. 

Nhưng xin hãy nhìn vào những điều tích cực, thành phố đã ban hành rất nhiều gói an sinh xã hội, bên cạnh đó, có hàng trăm tổ chức, chưa nói đến các cá nhân là mạnh thường quân sẵn sàng sẽ chia, giúp đỡ những ai gặp khó khăn. Dẫu rằng rất khó để đáp ứng tất cả, nhưng đó là những nỗ lực hết sức, là sự chăm lo của cả hệ thống chính trị, là nghĩa tình của người dân cả nước hướng về TP. Hồ Chí Minh.

Tôi đọc bản tin hôm nay, lại vài trăm người ra đi mãi không về vì Covid-19. Tôi nhớ tới những cảnh tụ tập, chen lấn mua hàng tích trữ, nhớ tới những người trốn xét nghiệm, thông chốt, nhớ tới những hành vi chống đối, những người tìm đủ lý do để ra ngoài không cần thiết trong mùa dịch nực cười như kiểu… tập thể dục… tôi chợt rùng mình.

Covid-19 không chừa một ai cả. Đã có những nhà báo đồng nghiệp của tôi ra đi tại thành phố này trong một buổi sáng đẹp trời tháng 8, mà tôi vẫn còn nhớ như in nụ cười và những dòng status đầy lạc quan của họ trước đó.

Tôi hay bạn, khi mỗi sáng mai thức dậy, còn được thêm một ngày nữa để yêu thương là chúng ta cực kỳ may mắn và hạnh phúc. Vì như những đồng nghiệp của tôi, hay rất nhiều người ở thành phố này họ đã sống cuộc đời rất đẹp, đã chiến đấu với Covid-19 quái ác, nhưng họ đã không còn kịp được thấy ngày mai nữa. Ngày mai - chính là ngày đại dịch được đẩy lùi, Thành phố và cả đất nước sẽ trở về với sự phồn hoa và yên bình vốn có.

Để đẩy lùi được đai dịch không phải chỉ là việc của chính quyền, của quân đội, của y bác sĩ… mà trên hết là ý thức của mỗi người chúng ta với chính sinh mạng của mình.

Hãy vì những người đã ở lại, hãy vì những người đang xông pha tuyến đầu, chúng ta hãy ngừng than vãn. Hãy cảm ơn cuộc đời này vì...

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.