Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chi Lăng (Lạng Sơn): Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

Văn Hoa - 15:28, 30/08/2023

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trong vùng đồng bào DTTS luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Chi Lăng quan tâm chỉ đạo thực hiện và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Từ đó, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư.

Bà con dân tộc trên địa bàn huyện Chi Lăng tham gia Lễ hội truyền thống mùng 10 tháng Giêng
Bà con các dân tộc trên địa bàn huyện Chi Lăng tham gia Lễ hội truyền thống mùng 10 tháng Giêng

Những chuyển biến tích cực

Xã Vạn Linh có 13 thôn với 6.679 nhân khẩu, với 3 dân tộc Tày, Nùng, Kinh cùng sinh sống (trong đó trên 80% là dân tộc Tày, Nùng). Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xã đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và đưa các nội dung quy định vào hương ước, quy ước để bà con thực hiện. Trong đó, 100% đảng viên, cán bộ tiên phong thực hiện để người dân noi theo. 

Để bà con hiểu và thông suốt các nội dung xây dựng nếp sống văn minh, xã cũng đã phân công các ban, đoàn thể tham dự cuộc họp của các thôn, bản để trực tiếp tuyên truyền, giải đáp những thắc mắc của người dân về vấn đề này…

Trên 90% các đám tang, đám cưới, lễ hội của huyện đều thực hiện theo nếp sống văn minh
Trên 90% các đám tang, đám cưới, lễ hội trong huyện đều thực hiện theo nếp sống văn minh

 Bà Triệu Thị Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Linh cho biết: Nhờ đó, việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn xã  được điều chỉnh phù hợp với cuộc sống mới, như: lễ cưới được tổ chức trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa và điều kiện kinh tế của gia đình, không mở nhạc trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; tang lễ cần được tổ chức trang nghiêm, văn minh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu…”.

Tại thị trấn Đồng Mỏ, cấp ủy, chính quyền thị trấn xác định, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, là một nhiệm vụ quan trọng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng toàn thể Nhân dân. Theo đó, công tác tuyên truyền, quán triệt được thực hiện theo phương châm: “Dân biết, dân bàn và cùng thực hiện”, trong đó đảng viên đóng vai trò nòng cốt, gương mẫu thực hiện trước. 

Cùng với thị trấn Đồng Mỏ và xã Vạn Linh, còn có một số xã như Chiến Thắng, Mai Sao, Bắc Thủy, Bằng Hữu…được đánh giá là địa phương thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn minh.

Hình thành môi trường văn hóa lành mạnh

Chi Lăng hiện là địa bàn chung sống của 3 dân tộc Nùng, Tày, Kinh và một số dân tộc khác. Trong đó: dân tộc Nùng chiếm 48,9 % dân số, dân tộc Tày chiếm 34%, dân tộc Kinh chiếm 16% và các dân tộc khác chiếm khoảnh 1,1%. Huyện có 23 lễ hội truyền thống được tổ chức thường xuyên hằng năm. Để quản lý tốt các lễ hội, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa tâm linh của Nhân dân, huyện đã chỉ đạo thành lập các ban quản lý và định hướng hoạt động để các ban quản lý thực hiện.

 Bà Đinh Thị Thao, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Chi Lăng cho biết: Hằng năm, ngay từ đầu năm, chúng tôi đều tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng NTM. 

Đồng thời, đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh vào hương ước, quy ước và tổ chức cho Nhân dân đăng ký thực hiện. Bên cạnh nêu gương, nhân rộng mô hình hay, việc làm thiết thực là phê phán, có các biện pháp để dần loại bỏ những hiện tượng tiêu cực, hủ tục, mê tín dị đoan… Qua đó, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh trong đời sống Nhân dân gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Bà con các dân tộc trên địa bàn huyện Chi Lăng tham gia giao lưu múa, hát dân ca tại Lễ hội truyền thống mùng 10 tháng Giêng
Bà con các dân tộc trên địa bàn huyện Chi Lăng tham gia giao lưu múa, hát dân ca tại Lễ hội truyền thống mùng 10 tháng Giêng

Thông qua những giải pháp,  việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện Chi Lăng đã đạt được những kết quả tích cực. Trong việc cưới, không có tình trạng tảo hôn, thách cưới, dựng rạp lấn chiếm lòng đường, cản trở giao thông … Đối với việc tang, hầu như không còn những tập tục lạc hậu: linh cữu không để quá 48 tiếng, không còn tình trạng  khóc mướn, lăn đường, trống kèn không quá giờ quy định. Cụ thể hơn là, trên 90% các đám tang, đám cưới, lễ hội của huyện đều thực hiện theo nếp sống văn minh. Năm 2022, toàn huyện có 16.508/18.293 hộ đạt gia đình văn hóa, đạt 90% (xếp thứ 3 toàn tỉnh); 136/159 khu dân cư văn hóa, đạt 85,5%.

Hiện nay, chính quyền và Nhân dân huyện Chi Lăng đang tích cực thực hiện các nội dung, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch". 

Việc thực hiện tốt Dự án 6, sẽ tạo điều kiện để đồng bào DTTS nhận thức đầy đủ hơn các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; nhận thức rõ hơn về những hủ tục, tập tục lạc hậu đang cản trở bước phát triển của đồng bào...cần phải đẩy lùi ra khỏi đời sống cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Ngày 07/11, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh đồng loạt khai giảng nhiều khóa bồi dưỡng tiếng Khmer năm 2024, với 160 học viên là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cấp phòng và tương đương tham gia. Các khóa học diễn ra tại các địa bàn: huyện Giồng Giềng, TP. Rạch Giá và TP. Hà Tiên.