Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chế biến sâu - Giải pháp bền vững cho tiêu thụ nông sản vùng DTTS và miền núi: Cần sự chủ động từ các địa phương (Bài 2)

Thúy Hồng - 14:25, 02/11/2021

Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, được coi là “chìa khóa” và động lực để tăng giá trị ngành Nông nghiệp. Song, để kêu gọi thu hút được doanh nghiệp tham gia, cần sự chủ động của chính quyền địa phương trong việc quy hoạch, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này.

Cần có cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến nông sản ở vùng DTTS và miền núi
Cần có cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến nông sản ở vùng DTTS và miền núi

Gỡ “nút thắt” để thu hút doanh nghiệp

Quảng Ninh là địa phương được xem có tiềm năng và tạo được những cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, Quảng Ninh có 4 dự án trọng điểm ngoài ngân sách, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư; 5 dự án đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai đều chưa đạt kế hoạch đặt ra. Nhiều dự án chậm tiến độ đặt ra, là do hồ sơ đề xuất dự án của các nhà đầu tư, chưa có số liệu cụ thể về hiện trạng sử dụng đất, chưa xác định rõ diện tích phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất...; Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư còn thiếu thiện chí trong công tác phối hợp, chậm bố trí kinh phí chi trả bồi thường GPMB, chậm bổ sung hồ sơ tài liệu...

Theo ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ninh, để tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, Quảng Ninh đang tập trung triển khai hàng loạt giải pháp quyết liệt, giúp thu hút mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Sở cũng đang phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương để nắm bắt tiến độ các dự án; kịp thời giải quyết theo thẩm quyền để tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư; ký kết chương trình phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp, Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư để có định hướng thu hút đầu tư phù hợp.

Tại Lào Cai, từ sự quan tâm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, đến nay, toàn tỉnh Lào Cai có 45 dự án do các doanh nghiệp, HTX đầu tư thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và chế biến nông lâm sản, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 6.000 tỷ đồng. Tổng diện tích đất được sử dụng cho các dự án là 16.912 ha, tổng số vốn đăng ký trên 500 tỷ đồng.

Ông Vương Tiến Sỹ, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN&PTNT Lào Cai) cho biết: Ngoài những chế độ ưu đãi về thuế, đất đai theo quy định hỗ trợ đầu tư của Trung ương, Lào Cai còn ban hành nghị quyết riêng, có cơ chế hỗ trợ lãi suất tối đa 70% tổng mức đầu tư của dự án để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh Lào Cai cũng đã phê duyệt “Đề án phát triển mạng lưới chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025”. Đề án sẽ tập trung đầu tư chế biến 12 sản phẩm chủ lực, như: Chè, rau, quả, lúa gạo, cây dược liệu, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản...Theo đó, Đề án sẽ ưu tiên cơ chế, chính sách nhằm góp phần nâng cao năng lực chế biến nông sản theo hướng tăng cường năng lực, nguồn lực, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Hình thành vùng nguyên liệu tập trung

Trong những năm qua, hầu hết các địa phương cũng đã rất chú trọng việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi. Tuy nhiên trên thực tế, đây không phải là điều dễ dàng. Bởi nông nghiệp vốn là ngành tồn tại nhiều rủi ro do tác động của thiên tai, dịch bệnh. 

Việc triển khai dự án càng kéo dài, càng làm cho doanh nghiệp đánh mất cơ hội đầu tư và phát sinh thêm chi phí. Muốn dễ dàng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, các địa phương cần có những chiến lược, kế hoạch phát triển cụ thể, mà trong đó yếu tố quan trọng, là phải hình thành được vùng nguyên liệu tập trung, truy xuất nguồn gốc vùng trồng...

Người dân ở xã Bảo Sơn, Lục Nam, Bắc Giang trồng dứa tập trung theo vùng nguyên liệu
Người dân ở xã Bảo Sơn, Lục Nam, Bắc Giang trồng dứa tập trung theo vùng nguyên liệu

Theo bà Phạm Thị Hà Anh, Giám đốc Công ty CP Lương thực Bình Minh, doanh nghiệp từng thất bại trong xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh tại Lai Châu, vì vùng chuyên canh quá xa, phải thuê thêm nhiều nhân viên, vì  khâu phân loại, sơ chế để chế biến cần rất nhiều nhân lực. Do vậy, vùng nguyên liệu khi xây dựng, phải gắn với HTX có sẵn lực lượng lao động. Ngoài ra, khi xây dựng vùng chuyên canh gì, thì phải đi liền cấp chứng chỉ ngay, tạo nền tảng sản xuất ngay từ đầu.

Bên cạnh đó, các địa phương phải bảo đảm về mặt thời vụ kéo dài, chứ không chỉ thu hoạch tập trung vào một giai đoạn ngắn trong năm, khiến chi phí duy trì, khấu hao máy móc quá cao.

Còn theo bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), nếu có những vùng nguyên liệu sản xuất quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, các doanh nghiệp sẽ tự tin mở rộng thị trường để tham gia vào các chuỗi, hệ thống siêu thị lớn ở trong nước và quốc tế.

Để hình thành vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, được cấp mã số vùng trồng, đòi hỏi người nông dân phải sản xuất đúng quy trình. Bởi khi nông dân, HTX có mã số vùng trồng, thì doanh nghiệp có thể đặt hàng sản xuất.

Nhìn nhận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, việc hình thành vùng nguyên liệu chuyên canh, sản xuất quy mô lớn, sẽ khắc phục những điểm yếu do sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự hợp tác, liên kết. Những vùng nguyên liệu này, phải đáp ứng yêu cầu liên kết từ 2 tỉnh trở lên, để tạo liên kết vùng và tranh thủ nguồn lực tập trung hỗ trợ từ các địa phương, để ổn định lâu dài và đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.

Thứ trưởng cho biết, hiện nay Bộ NN&PTNT đang triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025, được thực hiện trên địa bàn 184 xã, 50 huyện của 11 tỉnh, với tổng diện tích 158.300ha. 

Theo đó, vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc gồm: Hòa Bình, Sơn La sẽ phát triển chanh leo, dứa, xoài với quy mô 14.000ha; khu vực Tây Nguyên với trọng tâm là 2 tỉnh: Gia Lai và Đắk Lắk sẽ tập trung canh tác 11.200ha cà phê; 50.000ha lúa gạo... Hiện nay, Đề án đã thu hút 250 HTX nông nghiệp, 185.000 hộ nông dân và 17 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông, lâm sản, dẫn dắt chuỗi giá trị cam kết tham gia.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.