Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kết nối giao thương nông, lâm, thuỷ sản 41 tỉnh, thành phố

P. Ngọc (t/h) - 21:07, 23/10/2021

Ngày 23/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND TP. Hà Nội và 40 tỉnh, thành phố tổ chức Diễn đàn "Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố".

Nhiều nông sản các địa phương được kết nối tiêu thụ tại các siêu thị. (Ảnh minh họa)
Nhiều nông sản các địa phương được kết nối tiêu thụ tại các siêu thị. (Ảnh minh họa)

Đây là phiên thứ 8 được Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương tổ chức, nhằm thông tin và hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu; thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết nông sản bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nông dân; xúc tiến thương mại nông sản giữa Hà Nội với các địa phương và kết nối người sản xuất nông lâm thủy sản giữa các địa phương và thị trường Hà Nội.

Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Thủ đô Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa với mạng lưới phân phối lớn, thúc đẩy sự phát triển sản xuất, kinh doanh của Vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng, miền trong cả nước. Hà Nội có khoảng 189 nghìn ha đất nông nghiệp, chiếm 56% tổng diện tích đất tự nhiên.

Tuy nhiên, nhiều sản phẩm hàng hóa thiết yếu Hà Nội tự sản xuất và cung ứng chỉ đáp ứng từ 30-65% nhu cầu. Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ quảng bá, kết nối - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn của các địa phương tại thị trường Hà Nội, Thành phố sẽ nghiên cứu, triển khai các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19...

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu phục vụ 10,3 triệu người dân sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn Thành phố một tháng: Gạo 92.970 tấn (khả năng tự cung ứng 56.338 tấn, đáp ứng 65,6% nhu cầu); thịt lợn hơi 18.594 tấn (cung ứng 17.500 tấn, 94,1% nhu cầu); thịt bò 5.350 tấn (tự cung ứng 1.032 tấn, 19,3% nhu cầu); thịt gia cầm 6.198 tấn (tự cung ứng 10.671 tấn)... 

Bên cạnh đó, người dân Thủ đô có nhu cầu sử dụng khoảng 5.350 tấn thủy hải sản (tự cung ứng 10.350 tấn, chủ yếu là thủy sản nước ngọt, các mặt hàng thủy sản nước lợ và nước mặn do từ các địa phương trong cả nước cung ứng khoảng 2.000 tấn/tháng); thực phẩm chế biến 5.165 tấn (tự cung ứng 1.000 tấn, 19% nhu cầu); rau củ 103.300 tấn (tự cung ứng 67.299 tấn, 65,1% nhu cầu); trái cây 52.000 tấn (tự cung ứng 15.000 tấn, 28,8% nhu cầu); trứng gia cầm 123,9 triệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng cho biết: Thời gian qua, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT ký kết Chương trình hợp tác phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn, có truy xuất nguồn gốc với Sở NN&PTNT T.P Hà Nội. Thái Nguyên đang rà soát quy hoạch, hướng dẫn sản xuất, đầu tư cho cây trồng có thế mạnh của tỉnh như chè, rau, cây ăn quả; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, toàn tỉnh có 76 sản phẩm được phân hạng OCOP từ 3 đến 4 sao và 2 sản phẩm OCOP 5 sao.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, hiện nay tỉnh có 131 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao trở lên và một sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Thời gian tới địa phương này có 25.000 tấn cam quýt và 2.000 tấn miến dong cần tiêu thụ cho đến Tết Nguyên đán.

Kết nối tiêu thụ nông sản giúp người nông dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Kết nối tiêu thụ nông sản giúp người nông dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Bên cạnh đó, một số địa phương khác cũng đưa ra những đề xuất kết nối tiêu thụ nông sản, trái cây với Hà Nội. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp thu mua, phân phối cũng đưa ra nhu cầu, số lượng cụ thể thu mua, tiêu thụ trái cây, nông sản, đặc biệt là nông sản tươi và các sản phẩm chế biến để tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định, qua 8 phiên, Diễn đàn đã khẳng định được vị trí trong việc kết nối giao thương nông sản giữa các tỉnh thành trong cả nước. Diễn đàn kết nối hôm nay đã kết nối giao thương tới 350 điểm cầu và hơn 1.000 người tham gia. Tổng kết diễn đàn đã có 30 giao dịch có kết quả.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Việc kết nối nông sản cũng cần phối hợp kiểm soát các nguồn cung nông sản vào Thành phố. Cần có cơ chế biểu dương các chủ cơ sở và tập đoàn đảm bảo nguồn cung an toàn vào TP.Hà Nội, cùng đó là phải cảnh báo về những nguồn cung không an toàn, bảo đảm nguồn cung vào Hà Nội đạt yêu cầu về chất lượng và số lượng. 

Cũng tại Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình hợp tác “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2025”.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.