Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thủ tướng lắng nghe ý kiến về thích ứng an toàn, phục hồi và phát triển kinh tế

PV - 19:52, 13/10/2021

Chiều ngày 13/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và chủ trì Hội thảo phát triển địa phương với chủ đề "Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt an toàn với đại dịch COVID-19: Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Các chính sách trước khi đề xuất các cấp thẩm quyền ban hành thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, chắc chắn, có tính khả thi, đánh giá kỹ tác động, đảm bảo an toàn và hiệu quả - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Các chính sách trước khi đề xuất các cấp thẩm quyền ban hành thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, chắc chắn, có tính khả thi, đánh giá kỹ tác động, đảm bảo an toàn và hiệu quả - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội thảo do Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức, được kết nối trực tuyến giữa điểm cầu Hà Nội với đầu cầu 63 tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đồng chủ trì Hội thảo. Cùng dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 75/NQ-CP và 107/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương; tổ chức tham vấn các đối tác phát triển, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, xây dựng dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023. Dự thảo Chương trình tiếp cận cả về phía cung, phía cầu và các khâu kết nối; bao gồm các giải pháp về y tế, kinh tế, xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động sớm vượt qua khó khăn và phục hồi sau đại dịch.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, đây là sự kiện thiết thực và có nhiều ý nghĩa nhằm triển khai, cụ thể hoá các kết luận rất quan trọng của Hội nghị Trung ương 4 bế mạc ngày 7/10 vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Khác với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008-2009 hay những đợt thiên tai như hạn hán, lụt lội và sự cố môi trường đã từng xảy ra trước đây, đặc trưng nổi bật của cú sốc kinh tế do đại dịch lần này là sự đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế và trong các hoạt động của đời sống xã hội, dẫn đến đứt gãy sự kết nối giữa tổng cung và tổng cầu.

Do đó, các giải pháp đề ra cần bảo đảm thống nhất một số nguyên tắc xuyên suốt như bảo đảm tính toàn diện cả về y tế, kinh tế và xã hội; bảo đảm tính đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành ở Trung ương, giữa Trung ương với địa phương, giữa các địa phương; giữa doanh nghiệp, người lao động, người dân và chính quyền các cấp…

Đặc biệt, tại Hội thảo, các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế, cơ quan nước ngoài tại Việt Nam đã có nhiều ý kiến thể hiện sự lạc quan vào tương lai phát triển của Việt Nam, với các giải pháp mà Việt Nam đã và đang thực hiện, nhất là khi các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn đảm bảo. Đồng thời bày tỏ đồng tình và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả cao phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19 như tiếp tục đẩy mạnh chiến lược vaccine; động viên nhân dân tiếp tục thực hiện 5K và các giải pháp phòng, chống dịch khác; nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, nhất là nhóm yếu thế; đảm bảo lưu thông, di chuyển thông suốt, an toàn; kích cầu tiêu dùng; thúc đẩy đầu tư công; đẩy mạnh chuyển đổi số...

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu dự Hội thảo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu dự Hội thảo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến việc các chính sách phải được xây dựng, thực thi nhất quán, thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Trong hệ thống giải pháp, cần đặc biệt chú ý sự phản ứng kịp thời, nhanh nhạy, tức là khi có sự điều chỉnh một giải pháp thì cần xem xét khả năng phải điều chỉnh các giải pháp khác để đảm bảo sự nhất quán. Các địa phương đã chia sẻ những kinh nghiệm, những mô hình vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả; vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khắc phục các đứt gãy kinh tế, tăng cường phối hợp hành động nhằm thực thi thắng lợi mục tiêu kép trong trạng thái “bình thường mới”.

Theo Giám đốc WB tại Việt Nam, bà Carolyn Turk, dù kinh tế Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng những thông số căn bản vẫn vững chắc và WB vẫn khá lạc quan về quỹ đạo tăng trưởng tương lai của Việt Nam. Các nhà đầu tư có phản ứng rất tích cực với việc tốc độ tiêm vaccine khá nhanh của Việt Nam và việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết mới về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tạo khung khổ chính sách nhất quán hơn trên toàn quốc.

Phát biểu tại Hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao ý nghĩa Hội thảo và các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chỉ đạo các bộ ngành liên quan tiếp thu đầy đủ những ý kiến xác đáng để tham khảo khi xây dựng chính sách trong thời gian tới. Thủ tướng lưu ý, các chính sách trước khi đề xuất các cấp thẩm quyền ban hành thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, chắc chắn, có tính khả thi, đánh giá kỹ tác động, đảm bảo an toàn và hiệu quả, nhất là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo tinh thần kết luận của Trung ương.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương xây dựng lộ trình phù hợp để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Thủ tướng cũng chia sẻ một số giải pháp tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như khôi phục thị trường lao động; giảm chi phí đầu vào; đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại tự do, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Đồng thời phải thực hiện tốt các chính sách về an sinh, giữ vững ổn định chính trị-xã hội và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta đổi mới tư duy, cách vận hành, cách quản trị kinh tế-xã hội, cùng chung tay quản lý sự thay đổi./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.