Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo nơi biên giới

P. Ngọc - 15:07, 03/06/2021

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, giúp Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, những năm qua Bộ đội Biên phòng đã triển khai nhiều chương trình ý nghĩa, thiết thực đối với sự nghiệp giáo dục vùng biên giới, nuôi dưỡng ước mơ, nâng bước cho những trẻ em nghèo được tới trường.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Sơn (TP. Móng Cái, Quảng Ninh) thăm, động viên học sinh đơn vị nhận đỡ đầu. Ảnh: BQĐND
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Sơn (TP. Móng Cái, Quảng Ninh) thăm, động viên học sinh đơn vị nhận đỡ đầu. Ảnh: BQĐND

“Nâng bước em tới trường”

Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đến công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, những năm qua Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cũng đã có những chương trình hành động cụ thể giúp đỡ trẻ em nghèo nơi biên giới.

Thấu hiểu khó khăn của con em đồng bào vùng biên, nhằm chung tay hỗ trợ các em tiếp tục con đường học tập, từ năm 2016, Bộ tư lệnh BĐBP đã triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Đối tượng thụ hưởng chương trình là các em học sinh khu vực biên giới, hải đảo có hoàn cảnh khó khăn.

Theo đó, chương trình lựa chọn, hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/em cho đến khi học hết lớp 12. Nguồn kinh phí do cán bộ, chiến sĩ BĐBP đóng góp. Cùng với việc hỗ trợ kinh phí, Bộ tư lệnh BĐBP cũng tổ chức nhiều hoạt động bổ trợ nhằm động viên, khích lệ các em, vươn lên trong học tập.

Thời gian qua, BÐBP tỉnh Điện Biên là một trong những đơn vị đã thực hiện tốt Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên đã nhận đỡ đầu 77 em học sinh là người dân tộc thiểu số đang sinh sống và học tập tại khu vực biên giới, có ý thức vươn lên trong học tập, là con gia đình chính sách, Người có uy tín, người tích cực tham gia cùng BĐBP trong bảo vệ biên giới.

Đồng chí Nhâm Văn Mạnh, Chủ nhiệm chính trị BĐBP tỉnh cho biết: Các cháu học sinh được nhận đỡ đầu, mỗi cháu sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/tháng đến hết năm lớp 12. Đây là số tiền đóng góp của cán bộ, chiến sĩ BÐBP và nguồn huy động từ các tổ chức xã hội, cá nhân giàu lòng hảo tâm. 

Năm học 2020 – 2021, BĐBP tỉnh tiếp tục duy trì số tiền đóng góp từ tiền lương, phụ cấp hàng tháng của cán bộ, chiến sĩ, đồng thời, huy động sự tham gia của các mạnh thường quân, thường xuyên tổ chức các hoạt động gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, trao quà đối với các cháu được đỡ đầu. Theo đó, đa số các cháu được nhận đỡ đầu đều có sự chuyển biến tích cực trong học tập và rèn luyện, đa số các cháu đạt học lực khá, giỏi, có hạnh kiểm tốt.

Cha nuôi nơi biên giới

Từ hiệu ứng tích cực của chương trình “Nâng bước em tới trường”, từ tháng 7-2019, Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục triển khai mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Với mô hình này, những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha, mẹ ở khu vực biên giới sẽ được đưa về nuôi tại Đồn Biên phòng.

Các cán bộ, chiến sĩ biên phòng sẽ có thêm vai trò mới, là trở thành "cha nuôi" của những em nhỏ được Đồn nhận nuôi. Sống tại Đồn Biên phòng, các em nhỏ không chỉ nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc trực tiếp từ những người lính biên phòng, mà còn được rèn luyện đức tính gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ của các chú bộ đội.

Đại úy Thào Nguyên Hồ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Chiềng On, tỉnh Sơn La tâm sự: Đồn Biên phòng có hai “chiến sĩ nhí” Sồng Lao Cường, sinh năm 2008 và Sồng Lao Việt, sinh năm 2010. Đây là hai cháu được cán bộ, chiến sỹ Đồn nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại đơn vị từ đầu tháng 9/2019. Hoàn cảnh của hai cháu rất đáng thương, bố mất sớm do tai nạn giao thông, mẹ lấy chồng, hai em sinh sống với bà nội ở bản Suối Cút, gia đình lại thuộc diện hộ nghèo ở xã.

Bây giờ, hai em Cường, Việt có thêm những "cha nuôi" mang quân hàm xanh, được sống trong ngôi nhà mới với điều kiện sinh hoạt, học tập đầy đủ; được chăm lo chu đáo từ bữa ăn, đến giấc ngủ.

Tại Đồn Biên phòng Phiêng Pằn, đứng chân trên địa bàn xã khó khăn của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Năm 2019, Đồn đã nhận nuôi hai cháu, trong đó có cháu Vì Văn Hoàng, sinh năm 2010, ở bản Nà Nhụng.

Từ khi được đón về ở tại Đồn Biên phòng Phiêng Pằn, nhận được tình yêu thương, sự chỉ bảo tận tình của các chú bộ đội, Hoàng đã tự tin hơn và luôn có ý thức vươn lên trong học tập. Hoàng kể: Bây giờ cháu rất vui, được đi học gần trường, còn được các chú trong Đồn mua cho quần áo, đồ dùng học tập, giày dép mới như các bạn cùng lớp.

Còn tại Đồn Biên phòng Tam Chung, BĐBP tỉnh Thanh Hóa đang nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng em Vi Văn Thắng và Hoàng Văn Tuất, dân tộc Thái, ở bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát. Những ngày tháng cùng ăn, cùng ở, được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung dạy dỗ học tập, Vi Văn Thắng và Hoàng Văn Tuất đã trở thành những “chiến sĩ biên phòng nhí” nơi biên cương và hiện đang là học sinh gương mẫu của lớp 8A, Trường THCS bán trú Tam Chung.

Những ví dụ trên chỉ là một trong số hàng nghìn trường hợp các em nhỏ nơi biên giới đang được BĐBP giúp đỡ. Những việc làm đó đã chắp cánh ước mơ, nâng bước các em trên hành trình đi đến tương lai, mở ra cơ hội cho các em vượt khó, vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.