Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những cô giáo ở Nhìu Cồ San

Trọng Bảo - 16:04, 23/11/2020

Từ trung tâm xã Sảng Ma Sáo, huyện Bát Xát (Lào Cai), phải đi hơn 1 giờ đồng hồ ngược dốc đá mới đến được điểm trường Tiểu học và Mầm non Nhìu Cồ San. Ngôi trường là một dãy nhà nhỏ với mái tôn màu xanh, nơi có những giáo viên không quản ngại khó khăn,chấp nhận rời xa người thân, gia đình, âm thầm hy sinh tuổi trẻ với mong muốn đem con chữ đến cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ngoài dạy chữ, các cô giáo ở Nhìu Cồ San còn kiêm cả nấu ăn bán trú cho học sinh
Ngoài dạy chữ, các cô giáo ở Nhìu Cồ San còn kiêm cả nấu ăn bán trú cho học sinh

Điểm Trường Tiểu học và điểm trường Mầm non Nhìu Cồ San, là hai điểm trường xa và khó khăn nhất ở xã Sảng Ma Sáo. Trong lớp ghép tiểu học do cô giáo Hoàng Thị Hồng phụ trách gồm hai lứa tuổi lớp 1 và lớp 2. Cô giáo Hồng sắp xếp cho học sinh hai lớp ngồi quay lưng lại với nhau, rồi cùng lúc dạy hai chương trình. Cô chạy đi chạy lại như con thoi, bên này làm bài tập toán thì bên kia tập đánh vần, lớp này tập viết thì bên kia học đặt câu… Học trò dường như cũng biết cô giáo vất vả nên tự giác học bài. Ngoài tiếng cô giáo giảng bài và tiếng đánh vần ê a, hầu như không có tiếng nói chuyện ồn ào trong lớp.

 “Trẻ ở vùng cao này chăm ngoan lắm, dù không có điều kiện tốt như học sinh thành thị, nhưng em nào cũng ham học, điều đó cũng giúp chúng em có thêm động lực để đứng trên bục giảng”, cô Hồng chia sẻ.

Điểm Trường Mầm non Nhìu Cổ San có 2 phòng học vừa được xây mới, đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2020 - 2021. Phụ trách điểm trường là 2 cô giáo Nguyễn Thị Kiều Linh và Hoàng Thị Tâm. Cô Linh sinh năm 1998, nhà ở TP. Lào Cai, vừa nhận công tác ở Nhìu Cồ San  đầu năm học mới. Cô Tâm quê ở huyện Văn Bàn, trước đây cũng dạy ở một trường tư thục ngoài thành phố, năm học này cũng là lần đầu tiên cô đặt chân lên dạy chữ ở Nhìu Cồ San. 

Ở Nhìu Cồ San, cô giáo tận tụy hướng dẫn cho các trò nhỏ học bài ở mọi nơi, mọi lúc.
Ở Nhìu Cồ San, cô giáo tận tụy hướng dẫn cho các trò nhỏ học bài ở mọi nơi, mọi lúc.

Cô giáo trẻ Kiều Linh chia sẻ, ngày còn là sinh viên sư phạm, nghe mọi người nói đến địa danh Bạch Mộc Lương Tử, Nhìu Cồ San, thác Ong Chúa, Linh rất háo hức muốn lên một lần. Có người bạn cùng phòng còn đùa, ít nữa ra trường xin lên đó công tác cho thỏa ước mong...

 "Chẳng ngờ em lên đây nhận công tác thật. Phong cảnh ở đây đẹp lắm, nhưng em chưa có thời gian khám phá. Ban ngày thì phải trông coi, chăm sóc cho trẻ nhỏ;  đến khi phụ huynh đón trẻ về thì trời cũng sẩm tối. Biết là  lên vùng cao dạy học sẽ rất vất vả, nhưng em đã chuẩn bị sẵn tinh thần nên khi được phân công về công tác tại điểm trường này, em không chút phân vân gì,chấp hành lên đường đến với các em ngay", cô Linh tâm sự.

Khó khăn, vất vả nhất đối với các cô là, việc nấu ăn cho học sinh. Mỗi tuần một lần, 2 cô giáo Nguyễn Thị  Kiều Linh và Hoàng Thị Tâm thay nhau  vượt chặng đường hàng chục cây số từ Nhìu Cồ San qua Sin Cơ đến Khu Chu Phìn rồi ra trường chính để nhận thực phẩm cho học sinh. Quãng đường này vô cùng khó khăn, không ít lần các cô giáo bị ngã, bởi gặp trời mưa trơn trợt

Không chỉ khó khăn, xa xôi về địa lý, mà ở Nhìu Cồ San còn chưa có điện lưới. Vì thế buổi tối ở Nhìu Cồ San cũng đến sớm hơn vùng thành phố. Đêm đến, bóng tối bao trùm núi rừng, đi trong khu vực này, thỉnh thoảng mới le lói ánh sáng hắt lên từ ngọn đèn dầu hoặc bóng điện lờ mờ phát ra từ nguồn điện nước.

Trẻ em Nhìu Cồ San trên đường tới lớp
Trẻ em Nhìu Cồ San trên đường tới lớp

“Buổi tối ở đây vắng lắm, nên nhiều lúc dạy học mà chúng em chỉ mong ngày kéo dài mãi để nghe tiếng cười đùa của lũ trẻ. Vì trường học quá xa nên em phải để con nhỏ ở lại với bố dưới huyện Bảo Yên. Nhiều hôm, nhớ con, nhớ gia đình đến quặn thắt. Tháng nào trời không mưa, đường khô ráo thì mọi người sẽ thay nhau  tranh thủ về thăm nhà vào những ngày cuối tuần. Còn những hôm trời mưa, đường trơn thì đành chịu”, cô Hồng chia sẻ.

Cũng theo lời chia sẻ của các cô giáo ở 2 điểm trường Nhìu Cồ San, dù khó khăn, vất vả, nhưng khi tiếng học sinh đánh vần, đọc bài ê a vang lên; khi chứng kiến những khó khăn vất vả mưu sinh của đồng bào; nghĩ về tương lai của con em DTTS sẽ vất cả như cha mẹ chúng nếu không được học hành, nghĩ về khó khăn trong việc vận động mãi các gia đình mới quan tâm đến việc học hành của con cái,  các cô đều  tự dặn lòng, phải trách nhiệm hơn đối với các em học sinh, bởi lũ trẻ còn nhiều thiếu thốn, chúng cần phải được yêu thương và chăm sóc nhiều hơn…

Điểm Trường Tiểu học Nhìu Cồ San cheo leo trên núi
Điểm Trường Tiểu học Nhìu Cồ San cheo leo trên núi
Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.