Đây được coi là bước cụ thể hóa Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thông qua phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt.
Đề án còn nhằm mục đích định vị thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam, trong đó tập trung vào giá trị di sản, giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng.
Qua đó, mục tiêu nhiệm vụ cụ thể của ngành du lịch được đặt ra với việc Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm 20-25% trong tổng thu khoảng 130 tỷ USD từ khách du lịch.
Để thực hiện mục tiêu này, lãnh đạo ngành du lịch chủ trương quảng bá thương hiệu du lịch văn hóa, tập trung vào việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam về di sản và ẩm thực; tổ chức triển khai các chương trình, hoạt động truyền thông thương hiệu du lịch văn hóa; quảng bá thương hiệu du lịch văn hóa trên kênh truyền hình trong nước, quốc tế và tại các hội chợ du lịch, tuần văn hóa Việt Nam, năm du lịch quốc gia...
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao Du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết năm 2019, ngành du lịch đã đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước, tạo ra 2,9 triệu việc làm, trong đó có 927.000 việc làm trực tiếp.
Những thành tựu của du lịch Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019. Tổ chức Du lịch thế giới xếp Việt Nam thứ 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Đặc biệt, với việc Việt Nam được bình chọn là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á hai năm liên tiếp, điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á và nhiều giải thưởng danh giá khác, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cơ quan quản lý du lịch và ủy ban nhân dân các địa phương hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch di sản, du lịch ẩm thực.
Hỗ trợ này thể hiện bằng nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng và phát triển các giá trị di sản và ẩm thực; thực hiện các chính sách khuyến khích du lịch di sản, du lịch ẩm thực bằng việc quy hoạch phát triển các điểm đến du lịch gắn với di sản, ẩm thực.../.