Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cần “cú huých” cho du lịch nông nghiệp, nông thôn

Hồng Minh - 08:48, 11/12/2020

Du lịch trang trại đồng quê, miệt vườn, trải nghiệm làm nông, trải nghiệm văn hóa dân tộc… đang là những loại hình du lịch phổ hiện nay tại khu vực nông thôn. Hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng thể hiện tiềm năng lớn, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, hoạt động du lịch này vẫn mang tính tự phát, chưa có chiến lược dài hơi. Bởi vậy, để phát huy được tiềm năng, lợi thế này, cần có một “cú huých” mạnh mẽ phù hợp hơn.

Hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã được đầu tư khai thác tại nhiều địa phương. (Ảnh chụp tại bản Ké, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình)
Hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã được đầu tư khai thác tại nhiều địa phương. (Ảnh chụp tại bản Ké, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình)

Những “trái ngọt” đang vào vụ

Ở khu vực nông thôn, trong những năm qua, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã được đầu tư khai thác tại nhiều địa phương, hình thành hệ thống sản phẩm du lịch phong phú, đặc thù trải dài từ Bắc tới Nam. Việc phát triển loại hình du lịch này đã thúc đẩy nông nghiệp sạch phát triển; đồng thời thu hút và tạo công ăn việc làm tại chỗ cho lao động địa phương; giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện môi trường sinh thái, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Một trong những điển hình cho mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn chúng ta không thể không nhắc tới là điểm du lịch cộng đồng bản Lác, thuộc xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Bản Lác nằm trong một thung lũng yên bình với những mái nhà sàn nằm nép mình bên dưới những tán cây cổ thụ và màu xanh ngút ngàn của đồng ruộng. Giá trị du lịch của bản Lác còn chất chứa ở bản sắc văn hóa truyền thống của 121 hộ đồng bào dân tộc Thái đã cư trú ở đây hàng trăm năm. “Mỏ vàng” này đã được chính người dân bản Lác khai thác từ hàng chục năm nay và giờ đây trở thành nguồn thu nhập chính của người dân.

Vào năm 2003, thu nhập bình quân của người dân trong bản chỉ đạt 3 triệu đồng/người/năm. Từ du lịch và nhờ du lịch, hết năm 2019, thu nhập bình quân của người dân bản Lác đã đạt 27 triệu đồng/người/năm; có nhiều gia đình chuyên hoạt động du lịch còn có doanh thu trên dưới 300 triệu đồng/năm.

Du khách thích thú khi được thưởng thức một số loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS
Du khách thích thú khi được thưởng thức một số loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS

Tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu hút đầu tư được 290 cơ sở homestay, trong đó có 20 cơ sở homestay có sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ 2 - 3 sao. Được biết, để hoàn thành mục tiêu đó, tỉnh Hòa Bình sẽ xây dựng mô hình quản lý phù hợp; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc của địa phương; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; khuyến khích đầu tư vào du lịch nông nghiệp, chú trọng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao…

Cần “cú huých” từ chính sách

Những hiệu quả từ mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn mang lại đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hoạt động này vẫn mang tính tự phát, còn nhỏ lẻ và chưa được đầu tư đúng mức. Mặt khác, lao động làm việc không được đào tạo, thiếu kiến thức và kỹ năng du lịch nông nghiệp.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, việc định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn với các sản phẩm du lịch cộng đồng, các trang trại nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao… sẽ đem lại lợi ích cho cả du lịch và nông nghiệp, góp phần phát triển nông thôn mới bền vững. Vì vậy, các địa phương cần phải quy hoạch khu vực nông thôn đủ điều kiện phát triển du lịch; nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các trang trại, HTX nông nghiệp; nâng cao nhận thức về phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá…

Văn hóa, con người và thiên nhiên là những yếu tố làm nên sự hấp dẫn của mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn
Văn hóa, con người và thiên nhiên là những yếu tố làm nên sự hấp dẫn của mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, để kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cần sớm ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch; trong đó, chú trọng vào các hoạt động du lịch nông nghiệp; xác định hướng đi chủ đạo là phát triển du lịch nông nghiệp trên nền tảng nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đặc biệt, phải xác định rõ phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn là lòng tự hào với quê hương, xứ sở. Vì vậy, rất cần sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan hoạch định chính sách, đơn vị lữ hành, doanh nghiệp để loại hình du lịch này ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Như vậy, có thể thấy, để du lịch nông nghiệp nông thôn thực sự trở thành hướng phát triển kinh tế bền vững vùng nông thôn, miền núi, ngoài tiềm lực sẵn có về cảnh quan, văn hóa đặc trưng… thì những chính sách đặc thù là điều kiện quyết định để loại hình du lịch này phát triển lâu dài.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.