Điển hình trong việc phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, là gia đình anh Đinh Hữu Phú, sinh năm 1984, tại xóm 6, xã Xuân Lĩnh, huyện Nam Đàn. Năm 2017, anh nhận thầu với tổng diện tích 12.700 m2 đất, trong đó diện tích mặt nước đưa vào nuôi cá, là 7.000 m2 và 5.700 m2 đất vườn, anh bắt tay vào công việc chăn nuôi.
Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nuôi nên anh Phú thả cá mè, trôi, trắm, chép, trên bờ nuôi gà, nuôi vịt. Qua vụ nuôi đầu tiên, hiệu quả kinh tế mang lại tương đối cao, ổn định. Nhưng không dừng lại ở đó, anh Phú tiếp tục tìm tòi, học hỏi, đầu tư chuồng trại và chăn nuôi theo quy trình khép kín. Hiện nay, trang trại của anh đang nuôi 4 con lợn nái ngoại, mỗi một con lợn nái đẻ 2 lứa/năm. Tính ra mỗi năm, anh xuất bán khoảng 80 con lợn thịt.
Để mô hình trang trại được liên hoàn và đa dạng về con nuôi, ngoài việc nuôi lợn sinh sản, anh Phú còn tận dụng các nguồn phụ phẩm của nông nghiệp tại địa phương để nuôi 400 con gà, 70 đôi chim bồ câu Pháp. Tận dụng diện tích hồ rộng lớn, vài năm trở lại đây, anh tiếp tục đầu tư nuôi thêm vịt với số lượng 6.000 con để tăng thêm thu nhập.
Theo ông Nguyễn Trọng Hữu, cán bộ công chức nông nghiệp xã Xuân Lĩnh, hiện nay, trên địa bàn toàn xã có hơn 60 hộ tham gia phát triển mô hình trang trại, gia trại với tổng diện tích 50 ha, tập trung chủ yếu ở xóm 4 và xóm 6.
Nghệ An là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, hệ thống các loại vật nuôi rất đa dạng. Số liệu thống kê năm 2021 cho thấy, tổng đàn trâu, bò ước đạt 778.000 con; đàn lợn 1.000.000 con; gia cầm 30.000.000 con; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 270.000 tấn; sản lượng sữa bò tươi 250.000 tấn; trứng 642.000 nghìn quả…
Thành quả nêu trên không phải tự nhiên mà có, nhất là trong bối cảnh khốn khó bủa vây (dịch tả lợn Châu Phi, dịch lở mồm long móng, dịch Covid-19…). Trên thực tế, với định hướng của Chính phủ và Bộ NN&PTNT, tỉnh Nghệ An và toàn ngành chăn nuôi đã lĩnh hội sâu sát, qua đó xây dựng lộ trình, kế hoạch bài bản và triển khai sâu rộng đến từng cơ sở.
Nghệ An xác định nâng cao giá trị gia tăng, góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và mục tiêu chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 của Thủ tướng Chính phủ, việc thúc đẩy “Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm”.
Theo đó, xác định tập trung phát triển các loại vật nuôi nhằm khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có. Đối với chăn nuôi lợn, dự báo thời gian tới, tổng đàn sẽ chuyển dịch mạnh theo hình thức chăn nuôi tập trung, công nghiệp. Đến năm 2030, có khoảng 800.000 - 900.000 con được nuôi bằng công nghệ cao, ứng dụng các quy chuẩn nông nghiệp tốt (GAHP, hữu cơ...) Điểm khác biệt là sử dụng các giống cao sản như Yorkshire, Landrace, Duroc, Pidu, Pietrain… quá trình nuôi sẽ tăng cường các biện pháp an toàn sinh học gắn với nội dung xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.
Về chăn nuôi gia cầm, sẽ tiến hành xây dựng và phát triển các cơ sở sản xuất giống nhằm chủ động cung cấp nguồn đầu vào tại chỗ. Dự kiến hàng năm cung ứng cho thị trường từ 10-15 triệu con giống. Ngoài ra, sẽ ưu tiên đẩy mạnh phát triển mô hình chăn nuôi liên kết, tạo mối quan hệ bền chặt giữa nông dân với các tập đoàn, doanh nghiệp, HTX…