Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lào Cai: Hiệu quả tích cực từ đổi mới hoạt động khuyến nông

Nhật Minh - 14:29, 07/10/2022

Tỉnh Lào Cai xác định, khuyến nông đóng vai trò quan trọng đối với công cuộc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do đó, việc đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động khuyến nông là hết sức quan trọng.

Cây dược liệu được lựa chọn làm dự án, mô hình phát triển nông nghiệp ở vùng khó khăn
Cây dược liệu được lựa chọn làm dự án, mô hình phát triển nông nghiệp ở vùng khó khăn

Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật

Theo đó, lực lượng khuyến nông toàn tỉnh đã đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin tuyên truyền, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, chú trọng triển khai các mô hình khuyến nông công nghệ cao tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; duy trì các chương trình, dự án khuyến nông phục vụ nông nghiệp an sinh, xóa đói, giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, khó khăn…

Mô hình chăn nuôi lợn bản địa an toàn dịch bệnh dựa vào cộng đồng do Trung tâm Khuyến Nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh triển khai là một ví dụ điển hình. Anh Nguyễn Văn Tân, thôn Bản Lắp, xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà và 19 hộ dân đã ký hợp đồng cam kết bỏ tiền làm chuồng trại nuôi nhốt đảm bảo, mua giống, 30% kinh phí mua thức ăn, vắc xin, thuốc tẩy kí sinh trùng... Trung tâm Khuyến nông tỉnh chịu trách nhiệm chuyển giao các quy trình kỹ thuật về chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trừ dịch bệnh trên đàn lợn, đồng thời cấp một phần kinh phí giúp người dân thực hiện mô hình.

Sau gần 5 tháng triển khai, mô hình đã có những thành công nhất định khi đàn lợn có tỷ lệ sống đạt 100%, các chỉ số khác về trọng lượng, chất lượng và tính an toàn dịch bệnh đều cao. Anh Tân cho biết: Được nhà nước hỗ trợ 70% thức ăn, chúng tôi thấy rất là phấn khởi, đỡ được phần nào đó. Còn 20 con giống, chúng tôi bỏ đủ vốn đối ứng để mua thức ăn. Thấy được lợi ích nâng cao thu nhập, sản xuất theo hướng hàng hóa nên các hộ dân đều tích cực chủ động tham gia vào mô hình sản xuất.

Bên cạnh đó, ngành Khuyến nông tỉnh Lào Cai, cũng quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp.

 Đổi mới công tác tuyên truyền khuyến nông

Công tác tuyên truyền khuyến nông tiếp tục được đổi mới, thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đa dạng nội dung và hình thức tuyên truyền theo hướng mở, trong đó lấy nông dân làm trung tâm như: Tuyên truyền qua các sự kiện khuyến nông (diễn đàn, tọa đàm, hội thi, lễ hội, hội chợ, triển lãm các sản phẩm từ mô hình khuyến nông); truyền thông qua các ấn phẩm truyền thống (bản tin, tờ rơi) kết hợp với truyền thông số (website, cổng thông tin điện tử); xây dựng các chương trình mang dấu ấn của khuyến nông như đối thoại, cầu truyền hình…

Nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng xa đã từng bước tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, dần trở thành những người “nông dân số”
Nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng xa đã từng bước tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, dần trở thành những người “nông dân số”

Thông tin truyền thông được chia sẻ, kết nối liên thông trong hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở và giữa hệ thống khuyến nông với các phương tiện truyền thông. Hoạt động thông tin tuyên truyền có thông điệp cụ thể, rõ ràng, theo định hướng, gắn với các chủ trương lớn của tỉnh, của ngành như: sản xuất có trách nhiệm, an toàn thực phẩm, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao,… Tuyên truyền để thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp an sinh sang nông nghiệp hàng hóa…

Nhờ đó, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hiệu quả, bền vững.

Tại huyện biên giới Mường Khương, hình ảnh những phụ nữ người Mông, người Pa Dí... livestream bán hàng đã trở nên quen thuộc trên mạng xã hội. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rất tốt trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chị Ma Thị Chú, ở thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, cho biết: Khi livestream, mọi người xem thấy hay thì chia sẻ khắp nơi, việc bán hàng từ đó cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, không chỉ dừng lại ở bán hàng qua mạng. Bà con đã dần tiếp cận với những khái niệm như mã QR, sàn giao dịch điện tử, nhật ký nông vụ, hay những phần mềm để điều khiển máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Anh Trần Mạnh Thắng ở xã Bản Sen, huyện Mường Khương đang thử nghiệm dùng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ cây chè. Anh Thắng cho biết: Phần mềm trên máy phun thuốc trừ sâu chúng tôi cũng yêu cầu nhà sản xuất có bộ phận lưu trữ lại bao nhiêu ngày phun một lần; ví dụ 10 ngày phun một lần. Nên khi mở máy ra là biết đến kỳ hạn phun thuốc…

Có thể thấy, với cách làm quyết liệt trong đổi mới hoạt động khuyến nông, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất.

Lồng ghép hiệu quả các nguồn lực cho hoạt động khuyến nông

Để tiếp tục đổi mới hoạt động và dành thêm nguồn lực cho hoạt động khuyến nông, vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Chương trình khuyến nông giai đoạn 2022 - 2025 nhằm huy động, lồng ghép các nguồn lực để tập trung tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và tư vấn dịch vụ phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, kinh phí để thực hiện Chương trình khuyến nông trong giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai gần 230 tỷ đồng từ các nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia, khuyến nông Trung ương, ngân sách địa phương, các tổ chức phi chính phủ tài trợ và doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đối ứng.

Trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh lựa chọn xây dựng 30 dự án, mô hình về sản xuất nông nghiệp ở địa bàn khó khăn, biên giới, địa bàn bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch hại. Các địa bàn còn lại xây dựng 20 mô hình, dự án. Chú trọng cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, dân trí của người dân, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản…

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.